Xây dựng Hạ Long trở thành thành phố du lịch biển văn minh

Phi Hồng (t/h)|15/10/2018 07:01
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

MOITRUONG.NET.VNThủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu của quy hoạch là phát triển theo mô hình đô thị thông minh, đô thị xanh, phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

>>>40 doanh nghiệp Lào khảo sát du lịch tại Nghệ An

>>>Phú Quốc: Hàng chục tấn lục bình chết trôi dạt ra bờ biển

Xây dựng Hạ Long trở thành thành phố du lịch biển văn minh.

Phạm vi nghiên cứu trực tiếp trong ranh giới hành chính thành phố Hạ Long với diện tích 27.753,91 ha, phạm vi nghiên cứu gián tiếp gồm các khu vực lân cận thành phố Hạ Long gồm: huyện Hoành Bồ (04 xã phía Nam huyện Hoành Bồ), thị xã Quảng Yên (02 phường, xã).

Mục tiêu của Quy hoạch là nâng cao vai trò vị thế của thành phố Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung trong khu vực và quốc tế; phát triển thành phố Hạ Long theo hướng phát triển bền vững, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng, phát triển thành phố Hạ Long trở thành thành phố du lịch biển văn minh, thân thiện, trung tâm dịch vụ – du lịch đẳng cấp quốc tế, với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại gắn với bảo tồn và phát huy Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.

Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị hiện đại, đồng bộ; phát huy vai trò là hạt nhân, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của các địa phương phía Bắc; làm cơ sở để quản lý quy hoạch, xây dựng chính sách phát triển thành phố Hạ Long và triển khai tiếp công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng đô thị theo quy hoạch.

Để đạt được những mục tiêu trên, phải rà soát tổng thể nội dung quy hoạch chung đã được phê duyệt năm 2013 và tình hình thực tiễn phát triển đô thị tại thành phố Hạ Long theo định hướng tại các quy hoạch chiến lược của tỉnh Quảng Ninh đã được phê duyệt; dự báo các nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, trong bối cảnh phát triển của vùng tỉnh Quảng Ninh, nắm bắt các cơ hội phát triển mới. Định hướng phát triển cần phải hài hòa với yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long theo hướng bền vững, các di tích văn hóa, tài nguyên du lịch khác của thành phố và bảo vệ môi trường tại khu vực; đề xuất các giải pháp chiến lược để khắc phục các tồn tại bất cập về quá tải hạ tầng kỹ thuật, các điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội chất lượng cao, xử lý các vấn đề môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Trên thực tế, Vịnh Hạ Long hiện đứng đầu bảng xếp hạng những điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam theo thống kê của Tổng cục Du Lịch. Với vẻ đẹp tuyệt tác mà thiên nhiên ưu đãi, hàng ngàn đảo lớn nhỏ cùng những hang động kỳ thú, cùng với những dự án hạ tầng mới được nâng cấp, các dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng được ra đời sẽ biến nơi đây trở thành thiên đường vui chơi, nghỉ dưỡng sầm uất của khu vực phía Bắc.

2018 cũng đánh dấu “sự kiện thế kỷ” của Hạ Long với thông tin dự án Hầm vượt biển Cửa Lục sẽ hoàn thành các thủ tục đầu tư trong năm và bắt đầu khởi công vào tháng 5/2019. Sau khi đi vào hoạt động, công trình hầm vượt biển đầu tiên của Việt Nam sẽ kết nối 2 nửa Hạ Long, rút ngắn thời gian di chuyển từ Bãi Cháy – Hòn Gai chỉ còn 3 phút. Không chỉ đánh dấu sự phát triển vượt bậc của địa phương, tạo điều kiện thúc đẩy du lịch, Hầm Cửa Lục sẽ thỏa mãn tâm lý người Hạ Long thích “sống Hòn Gai, chơi Bãi Cháy”, đồng thời tạo tiền đề cho kế hoạch mở rộng vùng đô thị của thành phố.

Phi Hồng (t/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Xây dựng Hạ Long trở thành thành phố du lịch biển văn minh
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.