Xây dựng khung chính sách riêng quản lý các loại khoáng sản như đất hiếm, vonfram

Phong Anh|06/11/2024 10:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Về dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN&MT nghiên cứu, xây dựng để đưa ra khung chính sách riêng, đặc thù và chiến lược để quản lý các loại khoáng sản như đất hiếm, vonfram…

Bộ trưởng Bộ TN&MT cũng cho biết thêm, đối với các khoáng sản chiến lược như đất hiếm hay vonfram không chỉ có các quy định trong dự thảo luật này mà hiện nay cấp có thẩm quyền đã có chủ trương cần phải xây dựng chiến lược để quản lý.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, tại phiên họp toàn thể vào chiều 5/11, Quốc hội xem xét về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày trước Quốc hội báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật bao gồm 12 Chương, 116 Điều.

6-qh-ks.jpg
Chiều ngày 05/11/2024, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản

Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ, thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo luật; đồng thời tham gia nhiều ý kiến để hoàn thiện luật nhằm bảo đảm tính khả thi, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM) bày tỏ dự thảo lần này đã tiếp thu rất nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu, cho thấy rõ nỗ lực của Ban soạn thảo cũng như các Ủy ban của Quốc hội.

Không thể đánh đồng đất hiếm, vonfram, uranium, titan…với những loại khoáng sản khác

Cho ý kiến về việc phân nhóm khoáng sản, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết, dự thảo luật đang phân loại khoáng sản thành 4 nhóm theo công dụng và mục đích quản lý. Trong nhóm I hiện nay (nhóm kim loại và năng lượng) có những loại khoáng sản cực kỳ quan trọng, có trữ lượng lớn như đất hiếm, vonfram, uranium, titan… Ngoài ra, Việt Nam còn có trữ lượng băng cháy lớn ở thềm lục địa chưa thấy được đưa vào.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, những loại khoáng sản này có tầm chiến lược quan trọng, không thể đánh đồng với những loại khoáng sản khác trong nhóm I.

Do đó, đại biểu đề nghị cần có một danh mục riêng đối với khoáng sản chiến lược quan trọng, đặc biệt quan trọng và giao thẩm quyền cấp phép thăm dò, khai thác cho Thủ tướng thay vì giao Bộ TN&MT, UBND cấp tỉnh như hiện nay.

Trong khi đó, đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh) cho rằng, doanh nghiệp thường mất rất nhiều thời gian cho việc lập hồ sơ đề nghị gia hạn thời gian khai thác than và mỗi lần gia hạn thì chỉ được gia hạn từ 2 đến 3 năm, như thế là vừa làm vừa chuẩn bị để xin giấy phép gia hạn.

Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra nghiên cứu quy định thời gian cấp phép khai thác khoáng sản, trữ lượng khoáng sản và căn cứ trên trữ lượng khoáng sản, căn cứ trên điều kiện địa chất của khoáng sản, của dự án, điều chỉnh quy định về thời gian cấp phép là không quá 50 năm và thời gian gia hạn thì không quá 15 năm để phù hợp với thực tiễn và giải quyết những vướng mắc hiện nay.

Nêu ý kiền về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Đoàn Quảng Ninh) đề nghị hợp nhất 2 loại tiền cấp quyền khoáng sản và thuế tài nguyên. Bởi theo đại biểu, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và thuế tài nguyên giống nhau về bản chất, cả 2 khoản đều cùng là một khoản tiền tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp cho Nhà nước...

Phát biểu giải trình, làm rõ về việc phân nhóm khoáng sản, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy cho biết, đây là nội dung từ kỳ họp trước đã có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tham gia, hiện nay trong dự thảo luật đưa ra quy định phân nhóm khoáng sản dựa trên công dụng và mục đích quản lý. Đây là một cách phân loại phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bộ trưởng cho biết, nếu quy định chi tiết trong luật đến cả danh mục, ví dụ như nhóm 1A, nhóm 1B thì sẽ khó khăn khi chúng ta lại phát hiện thêm các loại khoáng sản mới theo xu thế của thế giới.

"Tùy theo yêu cầu quản lý, sử dụng trong từng giai đoạn, hôm nay có thể là khoáng sản thông thường nhưng ngày mai lại trở thành khoáng sản chiến lược, như vậy, sẽ dẫn đến khó điều chỉnh về phân nhóm, phân loại này, cho nên Chính phủ đã đề xuất trong luật quy định giao cho Chính phủ quy định phân loại chi tiết", Bộ trưởng giải thích và mong các đại biểu Quốc hội đồng thuận với quan điểm này, để bảo đảm linh hoạt, có thể điều chỉnh, bổ sung kịp thời.

6-duy.png
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Bộ trưởng Bộ TN&MT cũng cho biết thêm, đối với các khoáng sản chiến lược như đất hiếm hay vonfram không chỉ có các quy định trong dự thảo luật này mà hiện nay cấp có thẩm quyền đã có chủ trương cần phải xây dựng chiến lược để quản lý.

Hiện nay, Bộ TN&MT theo chỉ đạo của Chính phủ cũng đang nghiên cứu để xây dựng, hướng tới đưa ra những khung chính sách riêng, đặc thù và chiến lược để quản lý các loại khoáng sản này.

Liên quan đến quy hoạch bôxít hiện nay, Bộ trưởng chia sẻ với khó khăn của các địa phương đang gặp phải vướng mắc. Điều này cho thấy rằng đối với các loại khoáng sản đặc thù như bôxít, titan diện phân bố rất rộng, chiều sâu không lớn, chúng ta cần phải đánh giá thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng, nhất là các yếu tố tác động khi tổ chức lập quy hoạch để tránh khi quy hoạch được phê duyệt rồi lại có vướng mắc liên quan đến các hoạt động kinh tế - xã hội.

Hiện nay, quy hoạch bôxít nằm trong quy hoạch khoáng sản Việt Nam được phê duyệt năm 2023, Bộ Công Thương được Chính phủ giao chủ trì lập quy hoạch này.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch, trong đó không chỉ giao Bộ Công Thương mà Bộ TN&MT cũng được giao là cơ quan chủ trì, phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát, xác định những vị trí không thực sự phù hợp hoặc trữ lượng khoáng sản không lớn để có thể đưa ra khỏi quy hoạch bảo đảm cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội khác. Điều này thể hiện sự phân công, phân cấp cũng như phối hợp giữa các cơ quan trong quản lý hoạt động khoáng sản.

Liên quan đến thời gian cấp giấy phép, có ý kiến đại biểu cho rằng quy định hiện nay về thời gian cấp giấy phép là 30 năm và có thể được gia hạn tối đa 20 năm là 50 năm thì còn ngắn, có thể mở rộng hơn, Bộ trưởng cho biết, quy định về thời gian như vậy là cộng cả thời gian cấp giấy phép lần đầu và thời gian gia hạn giấy phép tối đa là 50 năm, bằng với thời gian của dự án đầu tư thông thường theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Còn pháp luật về đầu tư có quy định trong một số trường hợp các dự án ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, ở những địa bàn đặc biệt khó khăn thì có thể kéo dài thời gian đến 70 năm.

Vấn đề thứ hai, thời gian cấp giấy phép khoáng sản một mặt là để thuận lợi cho nhà đầu tư trong thực hiện hoạt động đầu tư khai thác chế biến nhưng đồng thời phải tính toán để giảm thiểu tác động không tích cực đến các hoạt động kinh tế - xã hội khác như các dự án phát triển kinh tế - xã hội, đời sống sản xuất của nhân dân.

"Chính vì vậy chúng tôi nghiên cứu kinh nghiệm của thế giới thì các nước phát triển quy định còn chặt chẽ hơn chúng ta rất nhiều, thậm chí như Hoa Kỳ là không quá 10 năm. Cho nên chúng tôi kiến nghị được giữ nguyên như quy định trong dự thảo hiện nay", Bộ trưởng nêu quan điểm.

Thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản để tránh tình trạng đầu cơ

Đối với vấn đề liên quan đến tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, Bộ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, bản chất của tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đó là khi khoáng sản nằm trong lòng đất là tài nguyên quốc gia, là sở hữu toàn dân và khi đưa ra khỏi vị trí trong lòng đất để đưa sang các hoạt động chế biến, kinh doanh, như vậy chúng ta chuyển từ sở hữu toàn dân thành sở hữu của tổ chức, cá nhân, là sở hữu riêng.

Thông lệ quốc tế, tiền cấp quyền chính là khoản tiền tổ chức, cá nhân phải đóng góp cho Nhà nước để chuyển dịch quyền sở hữu này. Còn theo pháp luật về thuế và thực tế thực hiện từ năm 2016 đến nay cũng không có vướng mắc.

Hơn nữa, tiền cấp quyền chính là cơ sở để quyết định việc đấu giá, quyền khai thác khoáng sản chính là dữ liệu đầu vào để thực hiện. Cho nên, việc duy trì thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản như hiện nay là phù hợp và tránh các tình trạng đầu cơ, khi được cấp lại găm ở đó.

Ngoài ra, liên quan đến thủ tục hành chính, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ báo cáo với Chính phủ để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện việc thu thuế tài nguyên cũng như thu tiền cấp quyền để đơn giản nhất về mặt thủ tục, không làm phiền hà đến tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.

Phát biểu kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá những ý kiến của các đại biểu Quốc hội rất tâm huyết, trách nhiệm, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp thu hoặc giải trình thuyết phục.

Trong đó, một số ý kiến nêu cần khắc phục các tồn tại, bất cập liên quan đến quy hoạch và quản lý quy hoạch một số loại khoáng sản như bôxít, titan, đất hiếm và một số loại khoáng sản khác, việc quản lý đối với khoáng sản nhóm 4, cần làm rõ việc khu vực đấu giá, khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản và có ý kiến đề nghị thống nhất thuế hợp nhất, thuế tài nguyên với thu, cấp quyền khai thác khoáng sản, việc phân cấp, phân quyền trong quản lý, cấp phép thăm dò khoáng sản, quản lý nhà nước về khoáng sản và điều khoản thi hành luật, quy định chuyển tiếp và nhiều nội dung khác quan trọng...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Xây dựng khung chính sách riêng quản lý các loại khoáng sản như đất hiếm, vonfram
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.