Mới đây, các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Triển khai Công nghệ - Viện Công nghệ Xạ hiếm (Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam) đã xây dựng thành công dây chuyền sản xuất kẽm cacbonat có công suất 150 tấn/năm, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong việc sản xuất kẽm cacbonat bazơ chất lượng cao, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật về thành phần hóa học, cỡ hạt và độ ẩm
Kẽm cacbonat bazơ là nguyên liệu quan trọng được ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp như cao su, sơn, dung dịch khoan dầu khí, thức ăn gia súc và dược phẩm. Sản phẩm này còn được sử dụng làm tiền chất để sản xuất oxit kẽm hoạt tính, nano oxit kẽm và các hóa chất chứa kẽm khác.
Với công nghệ sản xuất tiên tiến, không phức tạp và không gây ô nhiễm môi trường, dây chuyền sản xuất kẽm cacbonat bazơ của Trung tâm Triển khai Công nghệ có thể góp phần giải quyết nhu cầu lớn của thị trường trong nước.
Trước đó, để tận dụng chất thải của quá trình sản xuất kẽm cacbonat bazơ, Trung tâm Triển khai Công nghệ - Viện Công nghệ Xạ hiếm đã đề xuất và được phê duyệt thực hiện dự án: “Hoàn thiện công nghệ và xây dựng dây chuyền công nghệ sản xuất kẽm cacbonat bazơ có hàm lượng kẽm ≥57% công suất 150 tấn/năm theo phương pháp axit với tác nhân kết tủa là NH4HCO3 từ các phế liệu chứa kẽm”.
Dự án do ThS Trần Ngọc Vượng - Giám đốc Trung tâm Triển khai Công nghệ làm chủ nhiệm đã mang lại những bước tiến lớn trong sản xuất kẽm cacbonat bazơ.
Quy trình công nghệ bao gồm các giai đoạn hòa tách, làm sạch, kết tủa, lọc rửa và sấy kết tủa, sử dụng nguyên liệu phế phẩm chứa kẽm từ dây chuyền sản xuất kẽm oxit. Điểm sáng trong quy trình là việc tận dụng chất thải (NH4)2SO4, thu hồi dưới dạng sản phẩm phụ, góp phần giảm thiểu ô nhiễm và tăng hiệu quả kinh tế. Nhờ các biện pháp xử lý tạp chất và quy trình kết tủa hiệu quả, sản phẩm kẽm cacbonat bazơ đạt chất lượng cao với hàm lượng kẽm ≥57%.
Trong bối cảnh nhu cầu về kẽm cacbonat bazơ trong các ngành công nghiệp cao su, y tế, nông nghiệp và đặc biệt là dung dịch khoan dầu khí ngày càng tăng cao, dự án này mở ra triển vọng lớn cho việc cung cấp sản phẩm trong nước và xuất khẩu.
Các doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm dầu khí (DMC), Công ty Cổ phần Giầy Thượng Đình và một số đơn vị khác đang có nhu cầu rất lớn về sản phẩm này, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thương mại hóa sản phẩm kẽm cacbonat bazơ của Trung tâm Triển khai Công nghệ.
Với tiềm năng lớn trong nhiều ngành công nghiệp và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, sản phẩm kẽm cacbonat bazơ của Trung tâm Triển khai Công nghệ hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế và môi trường, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam. Thành công của dự án còn giúp các cán bộ nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ hóa học và thiết kế thiết bị công nghiệp hóa chất.