Tang lễ có tầm quan trọng rất lớn ở Trung Quốc. Tang lễ, lăng mộ từng được coi là tiêu chuẩn để đánh giá lòng hiếu thảo của con cháu đối với người đã khuất. Tuy nhiên, diện tích đất dành cho các nghĩa trang truyền thống ngày càng gây áp lực lên quy hoạch đô thị và nguồn tài nguyên đất đai. Từ đó, vào những năm 1980, loại hình “chôn cất xanh” đã ra đời tại “quốc gia tỷ dân”.
Khuyến khích “chôn cất xanh”
Chính phủ Trung Quốc khuyến khích xu hướng “chôn cất xanh” như bỏ tro xuống biển hoặc chôn dưới cây để bảo tồn tài nguyên đất và bảo vệ môi trường. Để khuyến khích loại hình chôn cất này, chính phủ quốc gia này đã tạo điều kiện cung cấp nhiều dịch vụ miễn phí hoặc giảm chi phí ở các nghĩa trang thành phố xuống mức tối thiểu cho người dân, nhất là đối tượng người lao động có thu nhập thấp.
Theo dữ liệu của Bộ Nội vụ Trung Quốc, từ tháng 5/1994, Bắc Kinh đã triển khai hoạt động rải tro trên biển. Trong 30 năm qua, tổng cộng 774 lần rải tro tập thể trên biển đã được tổ chức cho gần 34.000 người đã khuất. Sau mỗi năm, số lượng người tham gia ngày càng tăng.
Trong khi đó, thành phố Thâm Quyến lần đầu tiên áp dụng hình thức chôn cất dưới luống hoa trước thềm Tiết Thanh minh năm nay. Hình thức này không kèm bia mộ, tên tuổi hay bất kỳ thông tin nhận dạng nào. Theo người phụ trách, tro được chôn sâu dưới luống hoa trong các thùng chứa có thể phân hủy sinh học.
Khu vực tỉnh Vân Nam, phía Tây Nam Trung Quốc cũng khuyến khích chôn cất thân thiện với môi trường bằng cách tạo điều kiện để người dân lựa chọn các phương pháp chôn cất như mộc táng hoặc chôn với hoa. Hiện tỷ lệ chôn cất thân thiện với môi trường ở Vân Nam đã đạt 51,02% và tỉnh cũng đang đẩy mạnh các phương pháp tưởng niệm xanh, ít carbon như dâng hoa tươi, tưởng niệm trực tuyến.
Bên cạnh đó, các tỉnh như Hà Nam, Liêu Ninh và Sơn Đông cũng đang nỗ lực thúc đẩy phương pháp chôn cất thay thế mới cũng như đám tang thân thiện với môi trường.
“Chôn cất xanh” - giải pháp chôn cất thân thiện với môi trường
Trên thực tế, cách phổ biến nhất để đưa người đã khuất vào cõi vĩnh hằng trên thế giới là tẩm ướp thi thể bằng hóa chất, cho vào áo quan gỗ hay kim loại rồi chôn vào lòng đất, xây bia mộ bên trên.
Tuy nhiên, theo trang tin khoa học Inverse, mỗi thi thể khi đem chôn sẽ sinh ra khí CO2, methane và khoảng 398 hợp chất khác trong quá trình phân hủy. Dù xác người có thể hoàn toàn phân hủy và hòa vào lòng đất, các "phụ kiện" đi kèm như áo quan thì không.
Inverse cũng cho biết, tại Mỹ mỗi năm cần 70.700m3 gỗ và 90.000 tấn thép để làm quan tài, cùng 3 triệu lít hóa chất ướp để bảo quản thi thể. Khi chôn theo kiểu truyền thống, các hóa chất tẩm ướp thi thể có thể ngấm vào lòng đất và gây hại môi trường xung quanh khu vực chôn cất.
Nhiều nhà phân tích tin rằng, hình thức "chôn cất xanh" sẽ giúp giảm bớt căng thẳng về tài nguyên đất, góp phần bảo vệ môi trường và đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân.
Chia sẻ với Global Times, giáo sư Li Zhiqing của Đại học Fudan cho biết: "Việc chôn cất thân thiện môi trường sẽ giúp giảm tiêu thụ tài nguyên đất, khiến nó là cơ chế cân bằng tốt cho tình trạng khan hiếm tài nguyên, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Điều này cũng thể hiện sự chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên".
Cũng theo ông Li Zhiqing, việc áp dụng phương pháp chôn cất mới phản ánh thay đổi đáng kể từ truyền thống sang hiện đại, có ý thức về môi trường. Điều này không chỉ có lợi cho gìn giữ môi trường mà còn khuyến khích trân trọng và bảo vệ đất đai nhiều hơn.
Giáo sư Zhang Yiwu của Đại học Bắc Kinh cũng đưa ra lập luận: “Ngày nay, con người có nhiều phương tiện để tưởng nhớ người đã khuất, và xã hội cũng rất coi trọng nhu cầu tưởng nhớ tổ tiên của con người. Điều này không mâu thuẫn với kiểu chôn cất mới đang được ủng hộ hiện nay”.
Ông Zhang nhấn mạnh thêm rằng, việc lựa chọn phương pháp chôn cất thân thiện với môi trường còn khuyến khích cách tiếp cận đa dạng hơn trong thờ cúng tổ tiên. Ngoài ra, những hoạt động này đều phù hợp với nguyên tắc bảo vệ môi trường và sinh thái tự nhiên, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.