Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh

An Nhiên (T/h)|02/05/2019 10:32
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – TPHCM đang nỗ lực xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM), xem đây là đòn bẩy để tăng trưởng vượt bậc so với phương pháp truyền thống.

Trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, với khát vọng đưa TP Hồ Chí Minh trở thành một trong những trung tâm của khu vực châu Á, từ năm 2015, thành phố đã tập trung nguồn lực xây dựng đô thị thông minh với nền tảng kiến trúc công nghệ thông tin và truyền thông theo hướng kiến tạo hệ sinh thái mở, tập trung vào nhiệm vụ hỗ trợ thực hiện bảy chương trình đột phá của thành phố.

Điều này được ông Trần Vĩnh Tuyến, phó Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định: Mục tiêu cao nhất của việc xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh là hướng tới việc bảo đảm môi trường sống thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn cho mọi người dân. Đề án đô thị thông minh nhắm đến chất lượng sống tốt cho người dân và họ có thể tham gia giám sát, quản lý, xây dựng TP.

Với đô thị thông minh, người dân có thể thụ hưởng các tiện ích như: sử dụng năng lượng với chi phí thấp, hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, dịch vụ y tế tốt; học sinh có thể học tại trường chất lượng, không khí trong lành, nguồn nước sạch, tỉ lệ tội phạm thấp, các hoạt động vui chơi giải trí đa dạng…

Một góc thành phố Hồ Chí Minh

Vận hành 4 trụ cột

Không phải đến năm 2017, khi TPHCM triển khai Đề án về xây dựng đô thị thông minh đến năm 2025 thì câu chuyện xây dựng ĐTTM mới đặt ra. Khởi động khá sớm, từ thập niên 90 của thế kỷ trước, khởi phát từ những mô hình ứng dụng CNTT như Khu công nghệ phần mềm Quang Trung, Khu công nghệ cao Sài Gòn, bắt đầu phát triển mạnh từ sau năm 2010 với sự kết hợp giữa hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hành trình xây dựng ĐTTM của TPHCM đã có những bước đi tiên phong so với cả nước.

Để xây dựng ĐTTM, TPHCM đặt ra hệ thống giải pháp như: Xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; Trung tâm Nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội; Trung tâm Điều hành; Trung tâm An toàn thông tin; Khung công nghệ thông tin và truyền thông (ICT)… Đến nay, 4 trung tâm trụ cột của đề án xây dựng TPHCM trở thành ĐTTM đã có kết quả khả quan và bắt đầu vận hành từ đầu năm 2019. Kho dữ liệu dùng chung của TP (giai đoạn 1) đi vào hoạt động tại Công viên phần mềm Quang Trung trên cơ sở tích hợp các dữ liệu hiện có của các sở, ngành.

TP cũng vận hành Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (giai đoạn 1) tại UBND TPHCM trên cơ sở tích hợp thông tin từ các hệ thống camera của Văn phòng UBND TP, các sở ngành, các trung tâm, hệ thống liên thông tổng đài khẩn cấp 113-114-115 và hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị 1022 vào Trung tâm Điều hành chung của UBND TP. Cũng đầu năm 2019, TP công bố thành lập Phòng mô phỏng dự báo kinh tế xã hội (giai đoạn 1) tại Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, phê duyệt Đề án thành lập Công ty Cổ phần vận hành Trung tâm An toàn thông tin TP…

Người dân là trung tâm

Mục tiêu xây dựng ĐTTM là sẽ phát triển kinh tế tương đối cao, bền vững, trên nền tảng khai thác tốt nhất các nguồn lực, với người dân là trung tâm của đô thị. Đồng thời, TP cũng mong muốn huy động trí tuệ người dân, làm sao để “mỗi người dân đóng vai trò là một cảm biến trong xã hội”.

ĐTTM sẽ mang lại cho người dân nhiều lợi ích trong một số lĩnh vực. Chẳng hạn với giao thông, người dân được trải nghiệm hệ thống vận tải hành khách công cộng chất lượng cao, xuyên suốt với vé điện tử liên thông; thu phí, đỗ xe thông minh; dữ liệu mở về giao thông và thông tin dự báo đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người dân và doanh nghiệp tìm được lộ trình di chuyển phù hợp, giúp giảm ùn tắc, cho phép người dân tham gia giám sát các hoạt động liên quan đến giao thông như doanh nghiệp vận tải, đào đường, công trình… ĐTTM cũng đem lại lợi ích cho người dân trong các lĩnh vực như: Y tế, ATTP, môi trường, chống ngập, nguồn nhân lực, an ninh trật tự, chính quyền điện tử, chỉnh trang và phát triển đô thị…

Tp.HCM nỗ lực trở thành môi trường sống thoải mái, tích cực

Xây dựng trường học thông minh

ĐTTM là một chặng đường chứ không phải đích đến, luôn là một sự đổi mới sáng tạo không ngừng để TP được thông minh hơn cho một nền kinh tế, xã hội, con người, doanh nghiệp hạnh phúc hơn, phát triển hơn một cách bền vững. Muốn làm được điều đó, cần có sự phối hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp, trường/viện và người dân/cộng đồng. Trong đó nổi bật vai trò của ngành Giáo dục với tư cách là lĩnh vực tiên phong trong xây dựng ĐTTM và xây dựng văn hóa, bản lĩnh, tri thức, kỹ năng của con người của ĐTTM.

Ngành GD-ĐT TPHCM tập trung xây dựng Trung tâm điều hành giáo dục thông minh tại Sở GD&ĐT nhằm triển khai hạ tầng CNTT đồng bộ. Theo đó, trung tâm điều hành được coi là bộ não của mô hình, góp phần hiện đại hóa, số hóa các tiện ích trong lĩnh vực GD-ĐT cho các cấp quản lý, nhà trường và người dân. Đồng thời, ứng dụng và phát triển các tính năng thông minh để tăng cường công tác quản lý nhà nước theo hướng khoa học, chính xác, kịp thời, góp phần hoàn thiện chính phủ điện tử, xây dựng mô hình quốc gia thông minh, đô thị thông minh.

Song song đó, ngành giáo dục TPHCM đã xúc tiến dự án đầu tư hệ thống trường học thông minh (THTM), xem đó là một trong những bước chuẩn bị để cùng với TP thực hiện đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2018 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025”. THTM sẽ hoạt động trên nền tảng ứng dụng CNTT và truyền thông trong việc quản lý, điều hành, tổ chức các hoạt động GD; đồng thời xây dựng môi trường tương tác trên không gian mạng giữa nhà trường – gia đình – xã hội.

Tham gia THTM, giáo viên sẽ sử dụng bảng tương tác, thường xuyên áp dụng bài giảng e-learning trong dạy học, ứng dụng phần mềm mô phỏng, phần mềm thực hành, thí nghiệm ảo trong dạy học. Việc tổ chức thi, kiểm tra được thực hiện trên máy tính hoặc thiết bị cầm tay cá nhân… Còn đối với HS, học trong môi trường trực tuyến, có SGK điện tử và tương tác, nhận được sự trợ giúp của giáo viên, bạn bè xung quanh. Đặc biệt, HS sẽ có thời gian hình thành, rèn luyện năng lực tự học, tự nghiên cứu, kỹ năng làm việc nhóm để trở thành công dân toàn cầu.

Năm trường gồm: THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, THPT Lê Quý Đôn, THPT Nguyễn Hiền, THPT Nguyễn Du hiện đã được lựa chọn để xây dựng thí điểm mô hình THTM trên cơ sở xây dựng lớp học điện tử, trường học điện tử, làm cơ sở phát triển nhân rộng mô hình THTM trong giai đoạn tiếp theo.

An Nhiên (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.