Xu hướng đón Tết Dương lịch của người Việt

Hồng Tú|31/12/2023 14:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Với nền văn minh nông nghiệp lúa nước, trước đây ông bà ta thường chỉ ăn Tết Âm lịch với rất nhiều phong tục truyền thống. Nhưng hiện nay, xu hướng ăn Tết Dương lịch (hay còn gọi là Tết Tây) của người Việt cũng ngày càng rõ rệt hơn bên cạnh cái Tết cổ truyền của dân tộc.

Nhiều năm vừa qua, với sức mạnh của hội nhập văn hóa, người dân Việt Nam đã dần coi Tết Dương lịch như một ngày Lễ quan trọng ở trong năm. Cũng giống như Tết cổ truyền, những ngày nghỉ Tết Dương lịch còn là dịp để các gia đình họp mặt, tổng kết sau một năm học tập, công tác, là khoảng thời gian mà nhiều người dành cho người thân, bạn bè.

phaohoa-1674336462-7935-1674336469.jpg
Trước xu hướng hội nhập, người Việt dần dần cũng đón Tết Dương lịch

Từ trước đến nay, Tết Nguyên đán được xem là ngày Tết quan trọng nhất của người Việt. Những năm gần đây, trong xu thế hội nhập, dân ta còn đón chào cả Tết Dương lịch, hay còn gọi là Tết Tây. Phố xá những ngày Tết Tây vẫn mang vẻ sôi động như ngày thường, nhưng pha chút cảm xúc bồi hồi, rộn ràng. Có lẽ đó là tâm trạng của con người khi tiễn năm cũ, đón chào năm mới với những mục tiêu, kế hoạch mới.

Khác với Tết Nguyên đán, các cửa hàng, quán ăn vẫn mở cửa đón khách, kèm thêm chương trình ưu đãi cho khách hàng trong ngày nghỉ Tết Dương lịch. Vào những ngày này, người ta kéo nhau đi chơi, mua sắm hưởng khuyến mãi, hoặc đơn giản là cùng nhau quây quần bên mâm cơm sum họp gia đình, cùng ôn lại một năm qua đã làm được những gì, còn điều gì thiếu sót.

Nhiều năm trước, người Hà Nội coi Tết Dương lịch là Tết của người châu Âu. Vài năm trở lại đây, nhiều nét văn hóa phương Tây đã hội nhập tại Thủ đô, trở thành một dịp lễ trọng với tâm thế và cách thức rất riêng biệt. Vài năm gần đây, ở Hà Nội có lễ hội đếm ngược và những đại tiệc âm nhạc để chào mừng Tết Dương lịch được gọi là Countdown Party.

Countdown Party - lễ hội đếm ngược chào năm mới xuất hiện ở Hà Nội khoảng gần 10 năm trở lại đây nhưng đã thành điểm hẹn, nhân rộng ra nhiều khu vực chứ không chỉ gói gọn ở Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, hay Quảng trường Cách mạng tháng Tám. Với những màn trình diễn đỉnh cao cùng hàng loạt trải nghiệm bất ngờ chưa từng thấy, Countdown Party thật sự là bữa tiệc của âm nhạc, của âm thanh và ánh sáng. Giới trẻ thỏa sức hát rock, nhảy dance, hip hop… từ 20 giờ đến tận thời khắc chuyển giao sang năm mới.

Đứng trước nhiều luồng ý kiến trái chiều về vấn đề Hà Nội phải là nơi trầm tĩnh, kể cả trong cách đón Tết. Nhiều người cho rằng Hà Nội ngày nay là sự tổng hòa của rất nhiều vùng miền trên cả nước, trong đó có cả người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

Vì vậy, không có lý do gì mà Hà Nội bao mình trong sự trầm tĩnh, không mở cửa để hội nhập. Thể hiện sự hội nhập đầu tiên chính là văn hóa, mời gọi những nét hay, nét đẹp của văn hóa phương Tây cũng chính là cách làm cho Hà Nội thêm quyến rũ và hấp dẫn du khách.

Bên cạnh đó, vào dịp Tết Dương lịch người dân và du khách có thể đến các điểm di tích nổi tiếng trong khu phố cổ Hà Nội. Với những tour văn hóa, du khách có thể lựa chọn sản phẩm du lịch “Hanoi City tour” bằng xe buýt 2 tầng, khám phá phố cổ bằng xe điện hoặc tự tổ chức các tour đi bộ khám phá phố cổ kết hợp tour ẩm thực.

Điểm các hoạt động đón Tết ở Hà Nội để thấy cũng là dịp lễ của cả nước nhưng người dân Thủ đô vẫn có cách đón Tết rất riêng. Trong dịp này, Hà Nội có sự sôi động hòa nhập của một thành phố lớn nhưng cũng khoác lên mình phong thái đặc sắc của mảnh đất văn hóa nghìn năm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xu hướng đón Tết Dương lịch của người Việt