Xử lý nước thải tại các khu đô thị: Câu chuyện từ Dự án Khu đô thị Izumi City Nam Long hoạt động khi chưa có Giấy phép môi trường
Trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ, việc xử lý nước thải tại các khu đô thị không chỉ là yêu cầu bắt buộc về mặt pháp lý mà còn là thước đo cho sự phát triển bền vững và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không ít dự án vẫn còn lúng túng hoặc chưa thực hiện đúng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Dự án Khu đô thị Waterfront tại Đồng Nai (tên thương mại Izumi City Nam Long) là một ví dụ điển hình.
Thực trạng xử lý nước thải tại các khu đô thị hiện nay
Hiện nay, tại nhiều khu đô thị trên cả nước, đặc biệt là các khu đô thị mới hình thành trong giai đoạn phát triển mạnh về hạ tầng, tình trạng các dự án đã đi vào hoạt động nhưng chưa được cấp giấy phép môi trường vẫn còn tồn tại khá phổ biến. Đây là một thực tế đáng lo ngại bởi giấy phép môi trường không chỉ là căn cứ pháp lý bắt buộc để đảm bảo dự án tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, mà còn là cơ sở để quản lý, giám sát việc xử lý nước thải trong quá trình vận hành.
Nhiều khu đô thị khi triển khai xây dựng đã tập trung vào tiến độ, hạ tầng kỹ thuật và thương mại hóa sản phẩm, nhưng lại xem nhẹ hoặc chậm trễ trong việc lập, thẩm định và trình phê duyệt hồ sơ môi trường theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Kết quả là một số dự án khi đưa vào hoạt động chưa hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung, hoặc có hệ thống nhưng vận hành không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường xung quanh, ảnh hưởng đến đời sống cư dân và nguồn nước tiếp nhận.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý môi trường tại một số địa phương còn lúng túng trong việc giám sát, kiểm tra và xử lý các trường hợp chưa có giấy phép môi trường nhưng đã hoạt động. Việc áp dụng chế tài xử phạt hành chính còn nhẹ, thiếu tính răn đe, dẫn đến tình trạng "nhờn luật". Không ít chủ đầu tư tìm cách né tránh hoặc chậm trễ trong việc hoàn thiện hồ sơ môi trường, trong khi vẫn đưa công trình vào khai thác.
Thực trạng này đang đặt ra nhiều lo ngại về chất lượng quản lý phát triển đô thị bền vững, đồng thời cho thấy cần có những giải pháp mạnh tay hơn từ cơ quan chức năng để siết chặt quy trình cấp phép, tăng cường hậu kiểm và xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến giấy phép môi trường trong các dự án đô thị.
Để nâng cao hiệu quả của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo vệ môi trường để hạn chế những ảnh hưởng và tác động trực tiếp tới môi trường, Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống đã tìm hiểu, khảo sát, thu thập thông tin để thực hiện chuyên đề: “Vấn đề xử lý nước thải tại các khu đô thị”. Với mục đích đưa ra những đánh giá về tình hình thực tế đang diễn ra, đề xuất những giải pháp quản lý trong công tác bảo vệ môi trường đảm bảo đúng luật, góp phần phòng ngừa những ảnh hưởng tới môi trường.
Khu đô thị hoạt động khi chưa có Giấy phép môi trường – khoảng trống trong giám sát thực thi pháp luật
Trong quá trình triển khai chuyên đề, phóng viên (PV) Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống - Moitruong.net.vn đã nhận được thông tin về việc Dự án Khu đô thị Waterfront Đồng Nai (tên thương mại Izumi City Nam Long) tọa lạc tại xã Long Hưng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai trong quá trình hoạt động chưa thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của Luật bảo vệ môi trường.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Dự án Khu đô thị Waterfront Đồng Nai (Izumi City Nam Long) có tổng diện tích 154,566 ha, quy mô dân số dự kiến 19.600 người. Dự án do Công ty TNHH Thành phố Waterfront Đồng Nai làm chủ đầu tư và thuộc phạm vi khu đô thị kinh tế mở Long Hưng.
.jpg)
UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho dự án tại Quyết định số 1630/QĐ-UBND ngày 22/5/2020. Tuy nhiên, kể từ ngày Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực (ngày 1/1/2022), các dự án nhóm I (có quy mô lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây tác động xấu đến môi trường) ngoài ĐTM còn bắt buộc phải có Giấy phép môi trường như một điều kiện pháp lý bắt buộc trước khi đi vào vận hành.
Tuy nhiên, theo thông tin của PV, giai đoạn 1 của dự án Izumi City Nam Long đã được đưa đi vào hoạt động khi chưa có giấy phép môi trường theo quy định.

Để thông tin đa chiều, khách quan, trước đó, Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống đã có Giấy giới thiệu số 1064/GGT-MTCS gửi tới Tập đoàn Nam Long (được biết Công ty TNHH Thành phố Waterfront Đồng Nai là thành viên của Tập đoàn Nam Long và là chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Waterfront Đồng Nai).
Theo đó, ngày 26/2/2025, Công ty TNHH Thành phố Waterfront Đồng Nai có văn bản phản hồi gửi Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Văn bản có nêu: Dự án đã có quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường số 1630/QĐ- UBND vào ngày 22/05/2020. Giai đoạn 1 đã được Công an tỉnh Đồng Nai, Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC số 56/NT-PCCC ngày 10/04/2023.
Đối với khu vực công trình nhà trưng bày sản phẩm và bán hàng, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản số 527/UBND-KTN về việc chấp thuận xây dựng công trình nhà trưng bày sản phẩm và bán hàng. Các hạng mục bên trong công trình đều được xây dựng theo đúng quy hoạch, nhằm mục đích làm đẹp cảnh quan công trình, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trưng bày sản phẩm và bán hàng, không sử dụng cho các mục đích hoạt động kinh doanh thể dục thể thao.
Hệ thống xử lý nước thải tập trung của toàn dự án đã được bố trí quỹ đất theo đúng quy hoạch và sẽ hoàn thiện song song với tiến độ hoàn thiện của toàn bộ khu đô thị. Đối với giai đoạn 1, việc xử lý nước thải đang tiến hành theo phương pháp bơm hút, tuân thủ đúng quy định về môi trường.
Bên cạnh đó, Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống đã có công văn số 01/CV-MTCS gửi Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Nai về việc cung cấp thông tin về Giấy phép môi trường, hệ thống xử lý nước thải và chấp hành Luật Bảo vệ môi trường của dự án Waterfront Đồng Nai.
Theo đó, ngày 02/4/2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Nai có văn bản số 1106/SNNMT-MT phúc đáp thông tin với Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Văn bản có nêu: “Hiện nay, Công ty TNHH Thành phố Waterfront Đồng Nai đã triển khai xây dựng và hoàn thiện dự án "Giai đoạn 1 – tiểu khu 1A1, quy mô dân số 1000 người, diện tích 9,09998 ha (thuộc Khu đô thị Waterfront Đồng Nai, quy mô dân số 19.600 người, diện tích 154,566ha)". Ngày 25/02/2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tiếp nhận hồ sơ báo cáo đề xuất cấp Giấy phép môi trường đối với dự án và đang giải quyết theo đúng quy trình hành chính quy định”.

Theo Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường 2020, đối tượng phải có giấy phép môi trường gồm: Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức. Tuy nhiên, các dự án này nếu thuộc thuộc trường hợp dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công được miễn giấy phép môi trường.
Theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án Khu đô thị Waterfront Đồng Nai được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt có yêu cầu khi đưa dự án đi vào vận hành hoạt động, việc thu gom và xử lý nước thải được thực hiện theo quy định cụ thể như sau:
- Thiết kế xây dựng hệ thống thu gom, thoát nước mưa tách riêng hệ thống thu gom nước thải, công trình xử lý nước thải có công suất 2.900 m³/ngày; vị trí đấu nối thoát nước thải của dự án được đấu vào rạch Thủ Nguyên, sau đó chảy ra sông Đồng Nai).
- Hệ thống xử lý nước thải công suất 2.900m³/ngày, với quy trình, công nghệ xử lý: Nước thải sinh hoạt sau khi qua bể tự hoại của từng hộ dân → song chắn rác thô → bể thu gom → bể điều hòa → bể Anoxic → bể sinh học hiếu khí + bể lắng bùn sinh học→ bể khử trùng → rạch Thủ Nguyên → Sông Đồng Nai (bản vẽ thiết kế kèm theo báo cáo đánh giá tác động môi trường).
- Lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục và truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) theo quy định.
Toàn bộ nước thải phát sinh từ hoạt động của khu đô thị phải được thu gom, xử lý đảm bảo đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt QCVN 14:2008/BTNMT cột A, K = 1,0 và các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành khác.
Ngoài ra, trong chương trình giám sát môi trường trong giai đoạn vận hành thử nghiệm thì các công trình xử lý chất thải phải đánh giá hiệu quả trong từng công đoạn xử lý và cả công trình xử lý chất thải, việc quan trắc chất thải của công trình xử lý thực hiện theo quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường; Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường).
Như vậy, đến nay dự án Khu đô thị Izumi City Nam Long đã có Giấy phép môi trường hay chưa? Việc giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thiện và được đưa đi vào hoạt động suốt một thời gian dài khi chưa có Giấy phép môi trường đang đặt ra hàng loạt câu hỏi về việc hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tại khu đô thị này.


Theo các chuyên gia, với khoảng 1.000 người cư trú tại khu đô thị, ước tính mỗi ngày sẽ phát sinh khoảng 120 - 150 m³ nước thải sinh hoạt. Nếu hệ thống xử lý nước thải chưa được xây dựng và vận hành đúng quy chuẩn, nguy cơ ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nước mặt, là rất lớn.
Trong nhiều năm qua, không ít địa phương đã ghi nhận hiện tượng các khu dân cư, khu đô thị mới xây dựng rầm rộ, nhưng không đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý nước thải, dẫn đến hậu quả lâu dài cho môi trường nước, môi trường đất, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Luật đã có – nhưng thực thi vẫn còn khoảng trống, và nếu những khoảng trống này không được lấp đầy bằng các công cụ pháp lý mạnh mẽ, sự vào cuộc quyết liệt từ chính quyền, thì môi trường tiếp tục bị đánh đổi để lấy “tiến độ thi công”.
Trước vấn đề trên, kính mong Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai sớm chỉ đạo các Sở ban ngành nhanh chóng vào cuộc kiểm tra và có biện pháp xử lý triệt để những vi phạm (nếu có) về việc thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường tại dự án Khu đô thị Izumi City Nam Long. Đặc biệt, chủ đầu tư cần công khai đầy đủ và minh bạch thông tin về hệ thống xử lý nước thải của dự án, đặc biệt là gia đoạn 1 (tiểu khu 1A1). Đồng thời cam kết tuân thủ nghiêm các quy chuẩn môi trường theo đúng nội dung Giấy phép khi được cấp.
Phát triển khu đô thị là cần thiết, nhưng không thể là cái cớ để "vượt rào" luật môi trường. Giấy phép môi trường không chỉ là giấy tờ hành chính, mà là cam kết của doanh nghiệp với cộng đồng, với pháp luật và với hệ sinh thái địa phương. Ngoài ra, giấy phép môi trường còn là tấm “giấy thông hành” để đảm bảo rằng mỗi bước phát triển không đánh đổi bằng ô nhiễm. Phát triển đô thị xanh và bền vững không chỉ là xu hướng, mà là yêu cầu sống còn đối với các địa phương đang chịu áp lực dân số và biến đổi khí hậu.
Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin.