Xử lý ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn - Thách thức nan giải - Bài 4: PGS. TS Vũ Thanh Ca: Cần giảm thiểu ô nhiễm không khí một cách hiệu quả và bền vững
“Tôi muốn nhấn mạnh hai từ “hành động” vì hai từ này có nghĩa là chúng ta cần cụ thể hóa từng công việc theo những lộ trình thích hợp, bố trí kinh phí để thực hiện và xây dựng cơ chế giám sát việc thực hiện kế hoạch cho phù hợp, đảm bảo kế hoạch được thực hiện hiệu quả”, đó là quan điểm của PGS. TS Vũ Thanh Ca - Giảng viên cao cấp khoa Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên Môi trường chia sẻ với Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống về vấn đề xử lý ô nhiễm không khí.
Ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe con người và môi trường. Mặc dù, đã có nhiều biện pháp được triển khai, nhưng việc giảm thiểu ô nhiễm không khí vẫn là một bài toán khó giải. Sự gia tăng dân số, phương tiện giao thông và các hoạt động công nghiệp đã khiến tình trạng này ngày càng trầm trọng, trong khi những giải pháp lâu dài vẫn gặp nhiều thách thức trong quá trình thực hiện. Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Vũ Thanh Ca về nội dung này.
PV: Thưa PGS. TS Vũ Thanh Ca, ông đánh giá như thế nào về chất lượng không khí tại Việt Nam trong năm 2024?
PGS. TS Vũ Thanh Ca: Trong những năm vừa qua, mặc dù có những nỗ lực của chính quyền từ trung ương tới địa phương để cải thiện chất lượng môi trường không khí nhưng có vẻ chất lượng không khí tại Việt Nam đang diễn biến theo chiều hướng xấu đi.
Những giải pháp mà Việt Nam đã áp dụng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí như cấm đốt rơm rạ sau vụ gặt, cấm bếp than tổ ong tại các đô thị, kiểm định khí thải của xe ô tô và một số phương tiện khác… vẫn chưa đủ để cân bằng sự gia tăng phát thải của số phương tiện giao thông. Theo xu hướng này, chất lượng không khí năm 2024 có thể sẽ không được cải thiện so với năm 2023.
PV: Thực tế cho thấy, chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) ở nước ta luôn dao động ở mức 100 - 150, thậm chí có thời điểm lên đến 157, đây liệu có phải là hiện tượng đáng lo ngại, thưa ông?
PGS. TS Vũ Thanh Ca: Ô nhiễm không khí xảy ra chủ yếu vào cuối thu, mùa đông và đầu xuân, trước những đợt gió mùa đông bắc. Khi đó, trời rất lặng, không mưa. Do mặt đất vào các mùa nêu trên nhận được ít ánh sáng mặt trời vào ban ngày, chúng sẽ bị lạnh đi rất nhanh vào ban đêm và hình thành một lớp nghịch nhiệt trong lớp không khí gần mặt đất. Lớp nghịch nhiệt này sẽ ngăn cản lớp không khí gần mặt đất chuyển động lên các độ cao lớn. Do vậy, khói bụi từ các nguồn gần mặt đất bị tích tụ lại, làm không khí bị ô nhiễm nặng vào chiều tối, đêm và sáng sớm. Tới gần trưa, ánh nắng mặt trời sẽ đốt nóng mặt đất và phá vỡ nghịch nhiệt, tạo ra đối lưu đưa khói bụi lên cao để pha loãng. Khi đó, ô nhiễm không khí sẽ giảm đi.
PV: Nói riêng về bụi mịn, một trong những thành phần nguy hiểm nhất trong không khí, ông đánh giá như thế nào về tác hại của bụi mịn đối với sức khỏe con người?
PGS. TS Vũ Thanh Ca: Bụi mịn là những hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 10 micromet. Các hạt bụi thuộc loại này không tự lắng đọng được vì chúng quá nhỏ và chuyển động Brown trong không khí sẽ ngăn chúng lắng đọng. Vì vậy, bụi mịn có thể lan truyền rất xa, tới hàng ngàn km. Khẩu trang thông thường và lông mũi của con người không ngăn được loại bụi này.
Khi chúng ta hít phải, loại bụi này sẽ được tích tụ trong phổi, từ đó xâm nhập vào máu rồi được máu vận chuyển đi khắp cơ thể. Vì vậy, loại bụi này có thể gây ra rất nhiều bệnh nguy hiểm cho con người như các bệnh về đường hô hấp, tim mạch. Một số chuyên gia trong ngành y cho rằng, loại bụi này còn có thể gây ung thư.
PV: Thưa PGS.TS Vũ Thanh Ca, chất lượng không khí thấp sẽ ảnh hưởng đến môi trường trong nhà hay các văn phòng như thế nào?
PGS. TS Vũ Thanh Ca: Theo khuyến cáo, thông thường cần mở cửa sổ nhà hoặc văn phòng định kỳ để không khí tươi có thể vào phòng. Như vậy, nếu không khí bên ngoài ô nhiễm thì không khí trong phòng cũng bị ô nhiễm.
Để giảm ô nhiễm không khí trong phòng và công sở trong điều kiện không khí bên ngoài bị ô nhiễm nghiêm trọng, cách tốt nhất là ở trong nhà, đóng kín cửa và bật máy lọc không khí hoặc điều hòa nhiệt độ. Các loại điều hòa nhiệt độ đời mới có bộ phận lọc bụi trong không khí khá tốt, có thể giúp cải thiện chất lượng không khí trong nhà.
PV: Vậy đâu là nguyên nhân khiến cho việc ô nhiễm không khí ngày càng trở nên trầm trọng hơn, đặc biệt là ở các đô thị lớn, thưa ông?
PGS. TS Vũ Thanh Ca: Như tôi đã nêu ở trên, nguyên nhân làm chất lượng không khí kém đi là do sự gia tăng các nguồn thải, chủ yếu là phương tiện giao thông kết hợp với điều kiện thời tiết không thuận lợi, tạo ra nghịch nhiệt.
Cần chú ý rằng, trong số các loại phương tiện giao thông đang được sử dụng ở Việt Nam hiện nay có một số lượng cực lớn xe máy. Nhiều xe máy cũ không được bảo dưỡng định kỳ có mức độ phát thải rất cao và đóng góp khá đáng kể vào mức độ ô nhiễm không khí.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, các chính sách pháp luật của Việt Nam hiện nay còn nhiều cồng kềnh, chồng chéo là một trong những rào cản trong xử lý ô nhiễm không khí. Ông có nhận định như thế nào về vấn đề này?
PGS. TS Vũ Thanh Ca: Tôi cho rằng chính sách, luật pháp về môi trường của Việt Nam khá tiến bộ và phản ánh được những quy định của các nước tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường không khí phụ thuộc rất nhiều vào nguồn thải.
Để không khí sạch hơn, cần phải giảm nguồn thải. Hiện tại, nước ta đã di dời hầu hết các cơ sở công nghiệp và dịch vụ có phát thải ở mức độ nhất định ra khỏi nội đô.
Vấn đề còn lại là phương tiện giao thông. Chúng ta sử dụng quá nhiều phương tiện giao thông cá nhân và do vậy, lượng phát thải từ phương tiện giao thông rất lớn. Muốn giảm phát thải, cải thiện chất lượng không khí thì phải giảm phương tiện cá nhân, tăng phương tiện công cộng. Ngoài ra, cần kiểm định khí thải không chỉ đối với ô tô mà cần kiểm định khí thải xe máy nữa.
PV: Thưa PGS.TS Vũ Thanh Ca, theo đánh giá của ông, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam và người dân Việt Nam đã có những nỗ lực ra sao trong việc triển khai những giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí?
PGS. TS Vũ Thanh Ca: Tôi cho rằng các biện pháp được triển khai để giảm thiểu ô nhiễm không khí đã đem lại những hiệu quả nhất định. Thí dụ, giải pháp cấm đốt rơm rạ sau vụ thu hoạch hoặc đốt than tổ ong trong nội thành mà thành phố Hà Nội thực hiện cũng đã giảm được một phần ô nhiễm không khí, đặc biệt là trong thời gian thu hoạch lúa.
Tuy vậy, có khá nhiều nguồn thải chưa được giảm thiểu, thí dụ trong các đô thị lớn là phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt là xe máy. Ngoài ra, còn một số hoạt động gây ô nhiễm không khí khác như các làng nghề sử dụng than làm chất đốt, các lò gạch sử dụng than, các lò đốt rác tại địa phương sử dụng công nghệ thô sơ và không có bộ lọc bụi tĩnh điện. Do các hoạt động đốt nêu trên, không chỉ có bụi mịn mà rất nhiều loại khí độc như NOx, SOx, dioxin v.v. được giải phóng vào không khí, gây nên hiện tượng ô nhiễm không khí và nhiều bệnh tật cho con người, thí dụ các bệnh đường hô hấp, tim mạch, ung thư.
PV: Với thực trạng hiện nay, Việt Nam cần có những chính sách ứng phó ra sao để hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt là tại các đô thị lớn, thưa ông?
PGS. TS Vũ Thanh Ca: Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam, trước hết các cơ quan từ trung ương tới địa phương phải thực hiện nghiêm túc Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 – 2025, trong đó từng bước giảm thiểu số nguồn thải, áp dụng các công nghệ tiên tiến trong sản xuất để giảm thiểu phát thải các chất gây ô nhiễm môi trường không khí.
Bên cạnh đó, hiện nay đã sắp tới năm 2025, chúng ta cũng cần khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2026 – 2030.
Tôi muốn nhấn mạnh hai từ “hành động” vì hai từ này có nghĩa là chúng ta cần cụ thể hóa từng công việc theo những lộ trình thích hợp, bố trí kinh phí để thực hiện và xây dựng cơ chế giám sát việc thực hiện kế hoạch cho phù hợp, đảm bảo kế hoạch được thực hiện hiệu quả. Tất cả các nguồn thải cần được đánh giá lại và xếp thứ tự ưu tiên xử lý trên cơ sở mức độ dễ dàng khi thực hiện và mức độ tác động tới môi trường, sinh kế của người dân. Cần có những chế tài thích hợp với người dân nếu không tuân thủ những quy định về bảo vệ môi trường. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí một cách hiệu quả và bền vững.
PV: Xin cảm ơn PGS. TS Vũ Thanh Ca!