Xử lý rác thải từ F0 điều trị tại nhà (Bài 1): Những khó khăn bất cập từ thực tế

Nam Anh|28/02/2022 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Bộ Y tế đã có hướng dẫn về việc những người mắc COVID-19 điều trị tại nhà cần phân loại rác thải y tế, xử lý đồ dùng để tránh lây nhiễm. Tuy nhiên, khi F0 tự điều trị tại nhà tăng cao, công tác này phát sinh nhiều khó khăn, bất cập.

Phân loại rác thải của bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại nhà

Trước thực tế, số ca F0 tăng đỉnh điểm, ngày hôm sau cao hơn ngày hôm trước. Lượng người mắc Covid-19 điều trị tại nhà lớn, phát sinh khối lượng rác rất lớn và tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh ra cộng đồng càng cao, cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. UBND TP Hà Nội đã ban hành thêm phương án phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh tại điểm cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người nhiễm Covid-19 trên địa bàn.

Rác thải từ các hộ gia đình có người cách ly cần đảm bảo được xử lý theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Ảnh: Nguyệt Nhi

Theo phương án của thành phố, rác thải của F0 điều trị tại nhà sẽ được thu gom vào túi đựng chất thải lây nhiễm màu vàng, buộc chặt miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm màu vàng thứ 2, buộc kín miệng túi. Các túi màu vàng đều phải dán nhãn “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2”.

Việc phân loại như vậy rất quan trọng bởi chất thải lây nhiễm thu gom phải được xử lý riêng so với các loại chất thải khác, thông thường sẽ được xử lý bằng phương pháp thiêu huỷ để xử lý triệt để chất thải lây nhiễm.

Sau khi thu gom, rác thải từ nhà F0 được đơn vị duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn phối hợp với Tổ Covid-19 cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn vận chuyển đến các điểm lưu giữ chất thải lây nhiễm tại các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn hoặc các Trạm Y tế lưu động, hoặc các khu lưu giữ tạm thời chất thải lây nhiễm do địa phương bố trí trên địa bàn.

Trong quá trình vận chuyển, thùng đựng chất thải phải đậy nắp kín, bảo đảm không bị rơi, rò rỉ ra ngoài. Các thùng đựng, phương tiện vận chuyển chất thải lây nhiễm phải được khử khuẩn ngay sau khi sử dụng. Người trực tiếp tham gia thu gom, vận chuyển cần đeo khẩu trang y tế và mặc đồ bảo hộ y tế trong quá trình thu gom, vận chuyển; rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn có chứa ít nhất 60% cồn.

Như vậy, cách ly và điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tại nhà là giải pháp giúp giảm áp lực cho ngành Y tế và giúp người dân an tâm, thoải mái hơn trong quá trình phục hồi sức khỏe, nhưng vẫn cần đảm bảo các yêu cầu phòng dịch. Việc quản lý, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt của các F0 tự cách ly và điều trị tại nhà đúng cách cũng là một nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn này.

Thu gom rác thải tải khu cách ly ký F0 tại nhà tồn tại nhiều bất cập

Thu gom rác thải của F0 điều trị tại nhà còn nhiều khó khăn, bất cập

Dù đã có quy định chung nhưng công tác thực hiện ở mỗi địa phương lại không đồng đều; nơi thực hiện tốt, nơi lơ là. Chị V.T.L (phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội), một F0 vừa hoàn thành thời gian điều trị tại nhà cho biết, chị không được hướng dẫn cách phân loại rác thải cũng như xử lý đồ dùng cá nhân của F0 như thế nào trong suốt thời gian qua.

Chị L nói thêm: “Dù đã báo với y tế phường kể từ khi có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, nhưng mình không được hướng dẫn gì thêm về cách xử lý rác thải sinh hoạt. Do cách ly một mình nên bản thân phải tự tìm hiểu là chính. Có một người bạn đã hướng dẫn mình phải buộc chặt, khử khuẩn các túi rác xong bỏ vào thùng rác thôi”.

Điều đáng lo ngại là rất nhiều gia đình có F0 điều trị tại nhà cũng không biết đến các quy định về xử lý rác thải. Cũng là F0 điều trị tại nhà, anh N.T.T (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, sau khi phát hiện dương tính với COVID-19, anh được Trạm Y tế thông báo tự cách ly ở nhà 10 ngày. Ngoài ra, gia đình anh không hề được hướng dẫn về việc xử lý rác thải hằng ngày. Anh T. chia sẻ việc đổ rác vẫn diễn ra như bình thường, không có gì thay đổi so với trước đây.

chị N.T.T. (phường Yết Kiêu, quận Hà Đông, Hà Nội) – một F0 đang điều trị tại nhà – cho biết gia đình không được hướng dẫn phân loại rác thải cũng như xử lý đồ dùng cá nhân của F0.

“Y tế phường đã xuống lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn điều trị nhưng không nhắc đến việc xử lý rác thải của gia đình như thế nào. Tôi vẫn để chung các loại rác thải, khăn giấy, khẩu trang và thực phẩm với nhau và đăng ký giờ đổ rác với ban quản lý tòa nhà. 12h trưa, tôi để tất cả rác dùng trong ngày ở trước cửa, sau đó ban quản lý sẽ cho người lên đưa rác xuống”, chị T. nói.

Cũng đang là F0 điều trị tại nhà, anh N.T.D. (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết gia đình chưa được hướng dẫn xử lý rác thải hằng ngày. Anh D. chia sẻ gia đình đã cẩn thận để rác y tế vào túi riêng, buộc kín, để trước cửa để nhân viên thu gom rác đến lấy.

“Tuy nhiên, gia đình tôi không thể tiếp xúc với nhân viên thu gom rác nên không thể nhắc họ đâu là túi rác có rác thải y tế. Hy vọng nhân viên thu gom rác có thiết bị khử khuẩn hay đã được tập huấn về việc thu gom rác thải để tránh lây nhiễm”, anh D. chia sẻ.

Anh Nguyễn Việt Phong (quận Hồ Tây, Hà Nội) cho biết 3 người trong gia đình đều nhiễm Covid-19 và điều trị tại nhà. Anh được y tế phường hướng dẫn chăm sóc, tuy nhiên về rác thải của gia đình cũng không có hướng dẫn cụ thể.

“Gia đình mình cũng không dùng đến khẩu trang, khăn giấy… rác thải chủ yếu là thực phẩm dư thừa hằng ngày nên mình chỉ để vào túi buộc kín và đưa ra cửa. Người ở tổ dân phố đến hỗ trợ lấy rác đưa ra khu tập kết rác của khu vực”, anh Phong nói.

Theo các chuyên gia đánh giá, công tác quản lý, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt của người nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà hiện gặp nhiều khó khăn. Lượng F0 điều trị tại nhà quá lớn, khiến thời gian thu gom có thể kéo dài, chi phí vận chuyển tăng cao, chưa kể nhiều hộ gia đình còn nằm trong ngõ nhỏ, không thuận lợi cho các xe thu gom di chuyển. Bên cạnh đó, không chỉ lực lượng thu gom rác thải từ hộ gia đình đến điểm tập kết vẫn còn thiếu mà số lượng các thiết bị bảo hộ, thiết bị khử khuẩn trang bị cho nhân viên thu gom cũng rất hạn chế.

Thiết nghĩ, những nỗ lực không ngừng nghỉ của các cơ quan chức năng, các đơn vị chuyên môn và lực lượng phụ trách về vệ sinh môi trường vẫn là chưa đủ mà còn cần cả sự chung tay, góp sức của mỗi người dân, mỗi gia đình. Đặc biệt là những người bệnh và gia đình có F0 điều trị tại nhà, dù được nhắc nhở hay không, cũng có thể tự tìm hiểu và thực hiện việc phân loại và xử lý rác thải có nguy cơ lây nhiễm, nhằm tránh những rủi ro lây lan trong cộng đồng qua con đường rác thải.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Viện trưởng Viện Sức khỏe Quang Trung, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cho biết, số ca F0 tại cộng đồng đang ngày càng nhiều, việc điều trị tại các bệnh viện trở nên quá tải, và thực hiện điều trị F0 tại nhà là điều cần thiết. Do đó cần có biện pháp bảo đảm an toàn cho người nhà người bệnh, tránh lây lan, đồng thời cũng cần bảo đảm an toàn cho những cán bộ, công nhân trực tiếp quản lý, thu gom, xử lý chất thải. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Y tế vẫn áp dụng Quyết định số 3455 ngày 5-8-2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về việc hướng dẫn quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng, chống dịch Covid-19.

Từ thực tế thu gom rác thải của F0 tại nhà, nhiều công ty vệ sinh môi trường kiến nghị thành lập một tổ công tác chuyên thu gom rác thải y tế lây nhiễm (F0 tại nhà) với phương tiện chuyên dụng riêng cho công tác này, phối hợp với chính quyền địa phương nắm danh sách, địa chỉ của các F0, dấu hiệu cảnh báo của loại rác và bố trí nhân công thu gom theo thời gian, tần suất quy định của từng địa bàn quận, huyện.

Sở Y tế phối hợp chính quyền địa phương nâng cao vai trò của các tổ Covid-19 cộng đồng; hướng dẫn, tập huấn cho lực lượng tham gia tổ Covid-19 cộng đồng tại các địa phương thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải từ phòng điều trị, cách ly F0 bảo đảm không phát sinh trường hợp lây nhiễm chéo mầm bệnh từ nguồn rác thải; đồng thời phải ban hành quy định về chế độ, chính sách cho những người tham gia thực hiện.

Thực tế, nhiều gia đình F0 điều trị tại nhà không có thùng rác y tế. Đặc biệt ở nhiều khu tập thể, những túi rác của F0 vẫn được để trước cửa, không có thùng rác chuyên dụng. Hoặc đối với các khu chung cư có hố rác 1 ngăn, toàn bộ rác thải đều chung nên dù có phân loại rác thải của F0 điều trị tại nhà cũng không có xe rác chuyên dụng. Vì vậy mà công tác phân loại rác của bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà không hiệu quả, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh, đặc biệt cho những người làm công tác thu gom rác, công nhân môi trường.

Nam Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Xử lý rác thải từ F0 điều trị tại nhà (Bài 1): Những khó khăn bất cập từ thực tế
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.