Y tế

Xuất hiện ổ dịch thuỷ đậu trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

Thu Phương 24/10/2024 16:39

Thông từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Bình, một ổ dịch thủy đậu đã xuất hiện tại một trường học thuộc huyện Tuyên Hóa. Đây là lần đầu tiên dịch thủy đậu bùng phát tại Quảng Bình trong năm 2024.

Theo CDC Quảng Bình, ngày 19/10, tại Trường TH&THCS Lê Hóa xuất hiện 2 học sinh có triệu chứng điển hình của bệnh thủy đậu, đến ngày 21/10, tại lớp học này phát hiện thêm 12 trường hợp, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 14 học sinh.

Sau khi ghi nhận các trường hợp mắc thủy đậu đầu tiên trong năm 2024, CDC Quảng Bình đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Tuyên Hóa và Trạm Y tế xã Lê Hóa tiến hành giám sát điều tra ca bệnh tại nhà, dịch tễ xung quanh. Đồng thời, tiến hành xử lý môi trường, vệ sinh khử khuẩn lớp học và hộ gia đình có trường hợp mắc bệnh.

Ngoài ra, CDC Quảng Bình cũng yêu cầu lực lượng y tế địa phương hướng dẫn các gia đình có ca bệnh thực hiện việc vệ sinh hằng ngày, tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu; yêu cầu người dân khi có các triệu chứng như, sốt, đau đầu, trên da xuất hiện vết ban đỏ, bọng nước... phải liên hệ ngay trạm y tế tại địa phương để có biện pháp xử lý phù hợp.

Theo bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc CDC Quảng Bình cho biết, thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Varicella Zoster gây ra. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ nhỏ và người lớn suy giảm miễn dịch. Bệnh rất dễ lây từ người bệnh sang người khỏe mạnh nên dễ bùng phát thành dịch. Bệnh chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp, bằng các giọt bắn ra từ đường hô hấp (mũi, miệng) của người bệnh.

thuy-dau.jpg
Xuất hiện ổ dịch thuỷ đậu trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

Ngoài ra, bệnh có thể thông qua việc tiếp xúc với đồ vật, như: Quần áo, chăn gối có vấy bẩn các dịch tiết của người bệnh..., nhất là lây khi tiếp xúc trực tiếp với chất dịch khi các bọng nước bị vỡ. Đặc biệt, đối với phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu có thể lây cho thai nhi qua nhau thai, gây nên tình trạng mắc thủy đậu bẩm sinh.

Bệnh thủy đậu lành tính, sẽ phục hồi nhanh nếu chăm sóc đúng cách và không để lại di chứng. Tuy nhiên, biến chứng của bệnh cũng rất khó lường và có thể dẫn đến nhiều nguy cơ nghiêm trọng, như: Viêm não, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết… thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh, cũng như để lại di chứng về mặt thẩm mỹ.

Có một biến chứng cần lưu ý là khi bị mắc bệnh thủy đậu ở lứa tuổi nhỏ, vi rút Varicella Zoster sẽ “lẩn trốn” ở các hạch cảm giác trong cơ thể và sau đó có thể “thức dậy” ở tuổi trung niên gây ra bệnh Zona (giời leo) mạn tính.

“Hiện đã có vaccine phòng bệnh thủy đậu, vì thế cha mẹ nên lưu ý cho trẻ đi tiêm phòng sớm để nâng cao sức đề kháng miễn dịch cho trẻ, cũng như chống lại các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra và nâng cao rào chắn miễn dịch trong cộng đồng”, CDC Quảng Bình khuyến cáo.

Bài liên quan
  • Nguyên nhân cá chết tại hồ Tây bốc mùi hôi thối
    Nhiều ngày qua tình trạng cá chết lại tái diễn ở khu vực Hồ Tây (Hà Nội) đoạn khu vực phố Nguyễn Đình Thi, Trích Sài,... khiến nơi đây bốc mùi hôi thối nồng nặc, ảnh hướng đến sức khỏe của người dân. Nguyên nhân tình trạng cá chết hàng loạt là do thời tiết giao mùa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Xuất hiện ổ dịch thuỷ đậu trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.