–
Tại “Sơ kết sản xuất, tiêu thụ cá tra và triển khai Đề án giống cá tra 3 cấp” mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Cá tra là loại thủy sản khá dễ nuôi nên thời gian gần đây một số nước đã bắt đầu đẩy mạnh đầu tư phát triển loại thủy sản này, tạo áp lực cạnh tranh khá lớn đối với Việt Nam”.
Ngành hàng cá tra trong 7 tháng đầu năm nay phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là sự khủng hoảng cá tra giống và những rào cản từ thị trường nhập khẩu, theo báo cáo của Vụ Nuôi trồng Thủy sản.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Thách thức lớn tại thị trường nội địa là chất lượng con giống. Theo đó, các doanh nghiệp đề xuất tạo con giống trái mùa với công nghệ cao, hạn chế dịch bệnh, đồng thời nhờ Bộ Nông nghiệp hỗ trợ công tác truyền thông, quảng bá mạnh hơn nữa hình ảnh cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Theo đại diện ngành nông nghiệp các tỉnh thành vùng ĐBSCL, từ đầu năm 2018 đến nay, người dân nhiều nơi ồ ạt thả nuôi cá tra. Tại TP.Cần Thơ, diện tích thả nuôi đã tăng hơn 16% so với cùng kỳ, giá cá nguyên liệu cũng bắt đầu giảm còn 26.000 – 26.500 đồng/kg nhưng người nuôi vẫn có lãi. Dự báo từ nay đến cuối năm, nguồn cá nguyên liệu vẫn còn nhiều.
Còn tại tỉnh Đồng Tháp, trong 6 tháng đầu năm, diện tích thả nuôi đã đạt hơn 1.800ha, tăng 99ha so với cùng kỳ năm 2017. Tại tỉnh Kiên Giang, một số hộ dân ở địa phương này đã tự ý chuyển đổi 800ha đất trồng lúa sang đào ao ương cá tra, nâng tổng diện tích nuôi cá lên hơn 1.300ha.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Trong khi đó, theo Tổng cục Thủy sản, kim ngạch xuất khẩu cá tra Trung Quốc và Hongkong – thị trường tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam đang có chiều hướng giảm. Ngoài ra, ngành hàng này tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn từ rào cản kỹ thuật của thị trường nhập khẩu.
Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố các doanh nghiệp Việt Nam nằm trong nhóm hưởng mức thuế riêng biệt phải chịu mức thuế chống phá giá cao kỷ lục (từ 3,87% lên 7,74% USD/kg). Ả Rập Saudi vẫn đang tạm dừng nhập khẩu các sản phẩm thủy sản từ Việt Nam. Khối các nước Hồi giáo vùng Trung Đông cũng có nhiều quy định nghiêm ngặt và đặc thù về bao gói, chất lượng sản phẩm, quy trình nuôi theo tiêu chuẩn Halal, mật độ nuôi đến cách chế biến/giết mổ động vật và đòi kiểm soát luôn cả toàn chuỗi.
Trước tình hình trên, các doanh nghiệp xuất khẩu cần cố gắng xây dựng các dòng sản phẩm cá tra phi lê chất lượng cao, đa dạng hóa sản phẩm với những dòng sản phẩm giá trị gia tăng để tạo nên nét khác biệt.
Hoài An (T/h)