Ý nghĩa ngày lễ Vu Lan báo hiếu

Minh Lâm|15/08/2023 17:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Đối với người Việt, Lễ Vu Lan là một đại lễ báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất - một tập tục đáng quý, thể hiện đạo lý "ăn quả nhớ kẻ trồng cây".

Lễ Vu Lan báo hiếu là một trong những đại lễ báo hiếu quan trọng, được tổ chức vào Rằm tháng 7 âm lịch hàng năm. Đây là một trong những ngày lễ lớn của Phật giáo, được tổ chức ở nhiều địa phương trong nước.

"Vu lan" là cách viết tắt của "Vu lan bồn", tiếng Phạn là "Ullambana". Trong đó, Ullam dịch là "treo ngược" (đảo huyền), ví cho sự thống khổ của người chết như bị treo ngược; chữ "bồn" tiếng Phạn là "bana" tạm dịch là "cứu giúp". Như vậy chúng ta có thể hiểu từ "Vu lan bồn" có nghĩa là giải cứu người bị tội thống khổ tột cùng. Còn "báo hiếu", là sự báo đáp, đền đáp công đức sinh thành dưỡng dục của người con đối với cha mẹ.

le-vu-lan.jpg
Ảnh minh họa.

Ngày nay, lễ Vu Lan không đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà đã trở thành “lễ hội văn hóa tình người”. Pháp hội Vu Lan còn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” với tiên tổ. Tinh thần đạo hiếu cần được đề cao, biểu dương mạnh mẽ hơn để truyền thống đó luôn được bồi đắp, ngày càng trở thành sức mạnh văn hóa của dân tộc hôm nay và mãi mãi về sau.

Lễ Vu Lan chính là dịp để con cháu trong gia đình thể hiện lòng thành kính, hiếu thảo, đền đáp lại công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà và thể hiện lòng thành với tổ tiên. Đây là ngày lễ đặc biệt, nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Báo hiếu ở đây là đối với cha mẹ, người đã sinh và nuôi dưỡng chúng ta không chỉ ở kiếp này mà còn ở nhiều kiếp khác. Tín ngưỡng Phật giáo luôn nhìn nhận con người trong mối tương quan nhân quả, trong vòng báo luân hồi. Điều này dẫn đến việc chúng ta phải mở rộng vòng báo hiếu ra tất cả chúng sinh. “Phổ độ chúng sinh”, “cứu nhân độ thế”, “xá tội vong nhân”.

Không riêng gì đối với mỗi người Phật tử, Lễ Vu Lan mở ra cả một mùa báo ân, báo hiếu lan toả khắp cả đất nước Việt Nam.

Lễ Vu Lan cũng kêu gọi ý thức xã hội về tinh thần đền ơn đáp nghĩa của Đức Phật, khuyến khích con người đền ơn 4 nguồn ân đức gồm tri ân, đền ơn cha mẹ đã sinh thành; tri ân những người thầy cô đã dạy dỗ, truyền đạt kiến thức; tri ân các bậc tiền bối đã hi sinh xây dựng đất nước mang lại cuộc sống ấm no, chủ quyền cho dân tộc và cuối cùng là tri ân chính đồng loại.

Ở Việt Nam, ngày lễ Vu Lan còn có nghi thức bông hồng cài áo. Nghi thức này do thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng vào năm 1962, những ai may mắn còn cha mẹ sẽ cài bông hoa đỏ và những ai không còn cha mẹ bên mình thì cài bông hồng trắng.

Dù già hay trẻ, trai hay gái dự lễ Vu Lan đều thành kính và ngập trong cảm xúc khi đón nhận một bông hoa hồng cài trang trọng lên ngực áo. Màu đỏ là biểu tượng của việc còn Mẹ, màu hoa trắng để tưởng nhớ về người mẹ đã khuất núi. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ Hiếu mà con cái gửi đến cha mẹ.

Bông hồng cài trên ngực áo vào ngày lễ Vu Lan thể hiện những tình cảm tốt đẹp, thiêng liêng, cao quý nhất, khiến cho mỗi người may mắn còn cha mẹ sẽ càng thêm yêu mến, kính trọng cha mẹ mình…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ý nghĩa ngày lễ Vu Lan báo hiếu