Nghề nuôi trồng thủy sản an toàn theo hướng hàng hóa đang mang lại lợi ích lớn về kinh tế, an toàn lao động (ATLĐ) cho người dân huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái). Kể từ năm 2019, huyện sẽ đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp, HTX, nông dân để mở rộng quy mô, nâng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường.
Phát huy lợi thế, tiềm năng mặt nước hồ Thác Bà rộng lớn, huyện Yên Bình đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển chăn nuôi thủy sản và luôn là địa phương dẫn đầu trong phát triển và chăn nuôi thủy sản của tỉnh Yên Bái.
Yên Bình đang phát huy hiệu quả mô hình nuôi thủy sản an toàn
Đặc biệt, chăn nuôi thủy sản đã có một bước chuyển căn bản từ đánh bắt tự nhiên sang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng với khối lượng và chất lượng ngày một cao đáp ứng nhu cầu thị trường. Yên Bình đã có nhiều nỗ lực tuyên truyền, hỗ trợ, mời gọi các nhà đầu tư vào khai thác, chăn nuôi thủy sản tập trung trên hồ Thác Bà.
Nhờ vậy, đến nay, toàn huyện có 2 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã (HTX), 11 tổ hợp tác và trên 300 hộ dân nuôi cá eo ngách, nuôi cá lồng với trên 1.750 lồng. Bằng những cách làm cụ thể, hiệu quả sản lượng khai thác thủy sản năm sau luôn cao hơn năm trước, nếu như cả năm 2018 sản lượng mới đạt trên 7.500 tấn, thì chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019 sản lượng khai thác đã đạt trên 4.400 tấn, dự ước cả năm đạt trên 8.500 tấn.
Để thúc đẩy kinh tế vùng hồ Thác Bà phát triển, tỉnh Yên Bái đã có chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân nuôi cá lồng có thể tích trên 100m3/lồng với định mức kinh phí hỗ trợ 10 triệu đồng/lồng cho cá nhân; 5 triệu đồng/lồng cho các tổ chức, doanh nghiệp, HTX nuôi cá lồng với quy mô từ 30 lồng trở lên; và hỗ trợ 20.000đồng/m2 lưới để quây lưới nuôi cá ở các eo ngách trên hồ Thác Bà.
Ông Lã Tuấn Hưng – Phòng NN&PTNT huyện Yên Bình, cho biết từ khi áp dụng khoa học công nghệ để nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân, trung bình mỗi hộ dân sau một chu kỳ nuôi cá từ 10-12 tháng có thể thu lãi từ 25-30 triệu đồng/lồng.
Ngoài ra, huyện đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đầu tư nuôi trồng thủy sản theo đúng quy trình kỹ thuật, chú trọng ATLĐ. Đặc biệt, kể từ năm 2016, huyện áp dụng nuôi lồng bằng lưới khung sắt kiên cố có thể tích trên 100m3, dễ chăm sóc, sản lượng cá đạt từ 2,5 – 3 tấn/lồng/năm, mỗi lồng cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm đã mang lại hiệu quả kinh tế cho trên 130 hộ gia đình. Bên cạnh đó, có 40 hộ nuôi cá quây lưới với diện tích từ 1 – 8 ha, năng suất bình quân đạt 3 tấn/ha/năm, cho thu nhập từ 60 – 80 triệu đồng/ha/năm cao hơn 1,5 lần so với nuôi cá trong ao, hồ nhỏ.
Minh Anh (t/h)