Thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai (PCTT), Bộ NN&PTNT cho thấy đến hết tháng 11/2021 đã có 8 cơn bão, 3 cơn áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, 132 trận động đất, 326 trận mưa đá, dông, lốc và sét, 168 trận mưa lớn, lũ cục bộ, 9 trận lũ ống, lũ quét, 162 vụ sạt lở bờ sông, 11 đợt nắng nóng và 18 đợt không khí lạnh… trong năm nay.
Hậu quả là 107 người chết, 95 người bị thương, hơn 300 nhà bị sập đổ hoàn toàn, gần 10.000 nhà bị hư hỏng, tốc mái… Năm 2021, ước tính thiệt hại do thiên tai gây ra là 4.400 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định tình hình thiên tai năm 2022 sẽ khốc liệt hơn – Ảnh: VGP
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, Chủ tịch Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai, nhìn nhận trong năm nay đã xảy ra tới 18/22 loại hình thiên tai và dự báo năm 2022 mức độ của thiên tai sẽ khốc liệt hơn.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ: Thời gian qua công tác PCTT luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt và sự vào cuộc chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, trong đó có sự tham gia trách nhiệm, hiệu quả của người dân. Bên cạnh đó là sự tăng cường, phối hợp, tiếp nhận hiệu quả hỗ trợ cộng đồng từ các tổ chức, cá nhân quốc tế. Năm 2021, dự án giảm nhẹ rủi ro và tăng cường khả năng chống chịu với thiên tai, lấy trẻ em làm trung tâm giai đoạn 2017 – 2021 đã hỗ trợ người dân Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Phú Yên.
Ảnh minh họa
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, chia sẻ tại chương trình: “Thiên tai Việt Nam ngày càng dữ dội, nhiệm vụ của chúng tôi ngày càng nặng nề hơn trước một xã hội có quy mô về dân số, giá trị nền kinh tế ngày càng lớn mạnh. Để phòng ngừa, ứng phó, khắc phục một cách hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của Chính phủ, nhân dân Việt Nam, chúng tôi rất cần sự chung sức của các tổ chức quốc tế.
Chúng tôi kì vọng trong năm 2022 và những năm tiếp theo, sự giúp đỡ này sẽ ngày càng lớn hơn, hiệu quả, thiết thực hơn, qua đó đóng góp một phần quan trọng vào công tác phòng, chống thiên tai tại Việt Nam”.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, tầm quan trọng và vai trò của các tổ chức quốc tế đã được thể hiện nổi bật trong việc hỗ trợ các dự án xây dựng nhà chống chịu bão, lụt. Xây dựng nhà chống chịu bão, lụt sẽ mang đến những mái ấm an toàn, kiên cố cho những hộ nghèo không có nhà ở hoặc nhà xuống cấp nghiêm trọng, không có khả năng cải thiện; các hộ dân tộc thiểu số; người tàn tật, già cả, neo đơn; các xã ven biển và cận ven biển thường xuyên phải chịu sự tàn phá của thiên tai, bão lụt, xâm nhập mặn…
Các dự án nhà chống lũ tại miền Trung đã làm giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt là giảm số người chết, bị thương, qua đó được người dân đánh giá rất cao.
Đặc biệt, dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) viện trợ không hoàn lại thông qua Chương trình phát triển LHQ (UNDP) gồm 3 hợp phần đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực.
Đặc biệt, hợp phần 1 về “Hỗ trợ xây nhà chống chịu bão, lụt” do Bộ Xây dựng là cơ quan chủ quản được thực hiện với mục tiêu hỗ trợ 4.000 hộ dân xây dựng nhà ở chống chịu bão, lụt. Dự án triển khai từ năm 2017 đến năm 2021 tại 5 tỉnh: Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Nhờ có sự quan tâm của Chính phủ, xã hội cùng các tổ chức quốc tế, cá nhân và cộng đồng, sau 4 năm triển khai thực hiện, dự án đã hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 3.852/4.000 hộ nghèo khu vực ven biển và đang tiếp tục hoàn thành mục tiêu đề ra (tính đến thời điểm 15/10/2021).
Các căn nhà được dự án hỗ trợ xây dựng đã đáp ứng được yêu cầu và phát huy rất hiệu quả về khả năng chống chịu bão lụt, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho chủ hộ cũng như người dân xung quanh. Thành công của dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực, làm cuộc sống các hộ dân thay đổi tích cực hơn, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo và góp phần phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương tham gia dự án.
Hoàng Anh