9 địa phương không còn nhà tạm, nhà dột nát
Đến nay, 9 địa phương đã hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát, tiếp tục đẩy mạnh tiến độ hỗ trợ người nghèo và người có công.
Bộ Dân tộc và Tôn giáo - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước thông tin, tuần qua, có 3 địa phương tổ chức lễ công bố hoàn thành kế hoạch hưởng ứng phong trào thi đua chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, đó là Cần Thơ, Kiên Giang và Thái Nguyên.
Tính đến ngày 26/4, có 6 địa phương báo cáo không còn nhà tạm, nhà dột nát ngay từ khi phát động phong trào thi đua; 3 địa phương đã hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát, gồm: Bắc Ninh, Thái Nguyên và Cần Thơ. Như vậy, tổng cộng 9 địa phương đã không còn nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.
.png)
Về tiến độ thực hiện trong thời gian tới:
4 địa phương đăng ký hoàn thành trong tháng 4/2025, gồm: Khánh Hòa, Bình Phước, Tây Ninh, Vĩnh Long.
6 địa phương đăng ký hoàn thành trong tháng 5/2025.
17 địa phương dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2025.
4 địa phương đăng ký hoàn thành trong tháng 7/2025.
23 địa phương còn lại đăng ký hoàn thành từ tháng 8 đến tháng 10/2025.
Đáng chú ý, tỉnh Kiên Giang đã hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và đang tiếp tục thực hiện hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng.
Về kết quả cụ thể, tính đến ngày 26/4, cả nước đã hỗ trợ xóa 208.357/315.000 căn nhà tạm, nhà dột nát. Trong đó, 108.956 căn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, 99.401 căn còn lại đang được khởi công và xây dựng. Đặc biệt, chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng đã thực hiện 25.356 căn, trong đó có 10.921 căn đã hoàn thành. Các chương trình mục tiêu quốc gia đã hỗ trợ 59.054 căn, với 39.224 căn hoàn thành.
Việc xóa bỏ nhà tạm, dột nát có tác dụng tích cực đối với môi trường sống và cảnh quan đô thị. Những căn nhà xuống cấp thường không đảm bảo vệ sinh, dễ phát sinh rác thải và nước thải không qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Khi thay thế bằng các công trình kiên cố, có hệ thống xử lý chất thải hợp lý, môi trường sống trở nên sạch sẽ, an toàn hơn. Đồng thời, cảnh quan đô thị được cải thiện, góp phần xây dựng nếp sống văn minh và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.