Năm 2019, Amazon đặt mục tiêu 100% điện tiêu thụ là điện tái tạo vào năm 2030 và mục tiêu này hiện đã hoàn thành trước thời hạn 7 năm sau khi công ty này đầu tư hàng tỷ USD vào hơn 500 dự án năng lượng mặt trời và gió.
Năng lượng các dự án này tạo ra tương đương với lượng điện tiêu thụ bởi các trung tâm dữ liệu, tòa nhà, cửa hàng tạp hóa và trung tâm xử lý đơn hàng của Amazon tại 27 quốc gia.
Trong báo cáo thường niên về tính bền vững của doanh nghiệp, tổng lượng khí thải "Gã khổng lồ" thương mại điện tử này đã giảm 3% trong năm ngoái. Amazon cho biết tổng lượng khí thải của công ty là 68,82 triệu tấn carbon dioxit tương đương (CO2e) vào năm 2023, giảm so với mức 70,74 triệu tấn của năm trước. Bao gồm: khí thải từ chuỗi cung ứng, dịch vụ hậu cần của bên thứ ba và lượng điện mà công ty này mua.
Theo lời đại diện Amazon, dự án năng lượng sạch mà công ty đầu tư có thể sản xuất đủ điện cho 7,6 triệu ngôi nhà ở Mỹ. Amazon đặt mục tiêu đạt lượng khí thải carbon bằng 0 từ tất cả các hoạt động của mình, bao gồm xe tải giao hàng, máy bay và các phương tiện vận tải khác vào năm 2040.
Để đạt được mục tiêu 100% điện sạch, Amazon đã xây dựng các trang trại năng lượng mặt trời và gió mới, lắp đặt các tấm pin mặt trời trên mái của một số tòa nhà, vận hành các cơ sở trên lưới điện vốn sử dụng nhiều năng lượng tái tạo.
Việc sử dụng năng lượng và tạo ra khí thải của các “gã khổng lồ” công nghệ đang được giám sát chặt chẽ, giữa lúc sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) đang làm tăng lượng tiêu thụ điện.
Khí thải từ các hoạt động trực tiếp của công ty tăng 7% lên 14,27 triệu tấn. Amazon cho biết sự gia tăng này là do tổng thể hoạt động kinh doanh phát triển và con số này cũng bao gồm các trung tâm dữ liệu của Amazon.
Ông Chris Roe, Giám đốc phụ trách mảng Carbon toàn cầu của Amazon, nhấn mạnh: "Chúng tôi biết AI tạo sinh đòi hỏi rất nhiều năng lực điện toán. Để đáp ứng nhu cầu này đồng thời vẫn tiến tới các mục tiêu về khí hậu, chúng tôi sẽ cần các nguồn năng lượng khác nhau so với dự kiến ban đầu".
Amazon đã đầu tư vào 112 dự án năng lượng tái tạo mới vào năm ngoái và là công ty mua điện tái tạo lớn nhất thế giới, theo Bloomberg NEF. Cho đến nay, Amazon đã đầu tư vào hơn 500 dự án điện gió và Mặt trời trên toàn cầu, với tổng công suất 28 gigawatt.
Cùng với Amazon, các công ty công nghệ cho biết họ đang nỗ lực tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu năng lượng trí tuệ nhân tạo. Vào tháng trước, Google đã ký một thỏa thuận với công ty tiện ích của Berkshire Hathaway ở Nevada để cung cấp năng lượng địa nhiệt cho các trung tâm dữ liệu của mình. Lượng khí thải nhà kính của Google đã tăng 13% vào năm 2023 so với một năm trước đó do nhu cầu ngày càng tăng của A.I.