An toàn hồ đập mùa mưa bão – Bài 3: Cần giải pháp hiệu quả và đồng bộ

Việt Bắc|28/08/2021 13:01
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trước dự báo về những diễn biến khó lường của thời tiết. Việc chủ động cung cấp nước phục vụ sản xuất, phương án phòng chống thiên tai, vận hành bảo đảm an toàn cho công trình tại các hồ chứa trong mùa mưa lũ cần được triển khai một cách đồng bộ.

Ðảm bảo an toàn cho các hồ đập là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống lũ lụt mùa mưa bão

Kiểm tra, rà soát để chủ động ứng phó với thiên tai

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, các tháng còn lại của năm 2021 có khả năng xuất hiện khoảng 9-11 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó 3-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Đỉnh lũ trên các trên các lưu vực sông khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức báo động 1-2. Do đó, công tác dự báo, kiểm tra, rà soát để chủ động ứng phó với thiên tai là rất quan trọng; đặc biệt với hệ thống đê điều, công trình thủy lợi.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, cả nước có tới trên 7.000 hồ chứa nước lớn nhỏ với tổng dung tích trữ của các hồ khoảng trên 70 tỷ m3, trong đó có 466 hồ chứa thủy điện với tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3 (tổng công suất lắp máy 19.681 MW), còn lại là hồ, đập thủy lợi.

Các hồ đập thủy điện và phần lớn các hồ đập thủy lợi đều bảo đảm an toàn phòng, chống lũ. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay cả nước vẫn còn trên 1.100 hồ đập thủy lợi đã được xây dựng khoảng trên 40 năm trước, không được duy tu bảo dưỡng thường xuyên, đã bị hư hỏng, xuống cấp, thiếu khả năng tháo lũ nhưng chưa được sửa chữa, nâng cấp; trong đó có trên 200 hồ đập có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ.

Đảm bảo an toàn hồ đập mùa mưa lũ

Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Ngô Sơn Hải cho biết, năm nay lũ về muộn. Bình thường mọi năm là tháng 6, nhưng năm nay đến giữa tháng 7 nước lớn chưa về sông Đà, nên mực nước lòng hồ thủy điện Hòa Bình còn thấp. Tuy nhiên, dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, Tập đoàn đã chủ động cử các đoàn kiểm tra; qua đó thấy rằng các đơn vị, trong đó có hồ thủy điện Hòa Bình thực hiện nghiêm túc công tác vận hành và chuẩn bị ứng phó trước mùa mưa bão. Hằng năm, trước mùa mưa bão, Tập đoàn EVN đều có các đoàn công tác đi kiểm tra an toàn và vận hành xả lũ công trình thủy điện trên bậc thang sông Đà.

Về các hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, đã lắp đặt 73 camera giám sát truyền hình ảnh các vị trí trọng điểm xung yếu đê điều. Hiện có 105 hồ chứa lớn đã lắp đặt hệ thống camera giám sát và quan trắc mực nước tự động gửi thông tin về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo. Hệ thống trực canh cảnh báo thiên tai đa mục tiêu đã xây dựng 51 trạm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai tiếp giai đoạn tiếp theo của Dự án.

Cho ý kiến về vấn đề này, ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng hệ thống đo lường, cảnh báo có vai trò rất quan trọng trong phòng, chống thiên tai. Như về trạm đo mưa tự động, mật độ theo tiêu chuẩn quốc tế là 40km2 phải có 1 trạm đo mưa, tuy nhiên mật độ trạm của Việt Nam hiện chưa đủ dày, chưa hợp lý, đặc biệt là thiếu ở những vùng thường xuyên xảy ra thiên tai.

Do đó, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị, trong các dự án đầu tư về hệ thống đo lường, cảnh báo khí tượng thủy văn trong thời gian tới cần bổ sung thêm những trạm đo mưa tự động và nghiên cứu bổ sung các trạm rada thời tiết.

Tìm kiếm giải pháp đồng bộ sau nhiều năm triển khai cho thấy, điều xuyên suốt trong công tác bảo đảm an toàn hồ đập là phải xây dựng được từ quá trình quy hoạch, khảo sát thiết kế đến lập dự án đầu tư, tổ chức thi công xây dựng, quản lý vận hành. Ngoài các giải pháp công trình, cũng cần phải có những giải pháp phi công trình như nâng cao năng lực của người quản lý, tổ chức hệ thống bộ máy để vận hành cũng hết sức quan trọng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong bảo đảm an toàn hồ đập hiện nay là vấn đề kinh phí để sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa thủy lợi, bên cạnh đó năng lực quản lý và việc ứng dụng các công nghệ trong quan trắc dự báo khí tượng thủy văn vẫn còn hạn chế…

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết, hệ thống hồ đập có vai trò rất quan trọng trong cung cấp nước phục vụ thủy điện, tưới tiêu, điều tiết phòng, chống lũ… trong đó, rất nhiều hồ đập có vị trí quan trọng đối với an toàn ở vùng hạ lưu. Tuy nhiên, công tác quản lý an toàn hồ đập hiện còn rời rạc, chưa có hệ thống. Việc bảo đảm an toàn cho vùng hạ du đã được triển khai trên một số dự án, nhưng trên diện rộng vẫn còn nhiều bất cập.

Để quản lý an toàn hồ chứa trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật về quản lý an toàn đập; nâng cao chất lượng thiết kế, thi công và quản lý hồ đập. Bên cạnh đó, Bộ cũng tăng cường công tác quản lý bảo đảm an toàn hồ chứa nước; đồng thời đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho lực lượng cán bộ quản lý. Hiện nay, các hồ chứa quy mô lớn, có cửa van điều tiết đã lập quy trình vận hành điều tiết chủ động cung cấp nước phục vụ sản xuất, vận hành bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ.

Mặt khác, công tác kiểm định an toàn đập; phương án phòng chống lụt bão cho công trình tại các hồ chứa đang được triển khai một cách đồng bộ.

Nhất là công tác phòng, chống lũ, lụt cho vùng hạ du đập trong tình huống xả lũ khẩn cấp và vỡ đập đã được thiết lập. Đến nay, cả nước đã có 15 hồ chứa được lắp đặt trang thiết bị phục vụ điều hành, giám sát an toàn hồ chứa như Yên Lập (Quảng Ninh), Cấm Sơn (Bắc Giang), Xạ Hương (Vĩnh Phúc), Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh)… Tuy nhiên, tại các hồ chứa nhỏ, công trình xả lũ là tràn tự do nên hầu hết chưa có quy trình vận hành. Thêm vào đó, các hồ chứa nhỏ cũng chưa được kiểm định an toàn đập theo quy định; công tác chuẩn bị phương án phòng, chống lụt bão chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là những hồ chứa ở xa dân cư, đường giao thông đi lại khó khăn, bị chia cắt khi có mưa lũ.

Ðảm bảo an toàn cho các hồ đập là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống lũ lụt mùa mưa bão. Chính vì vậy, việc chủ động của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo vệ sản xuất, tài sản của Nhà nước và tính mạng, tài sản của nhân dân, đồng thời giảm nhẹ những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Việt Bắc

Bài liên quan
  • An toàn hồ đập mùa mưa bão – Bài 2: Những nguyên nhân hiện hữu
    Moitruong.net.vn – Đảm bảo an toàn hồ đập mùa mưa bão đang thực sự là bài toán nan giải cho các cấp quản lý. Sự xuống cấp của những công trình có từ thời “cổ lai hy” khiến cho sự mất an toàn từ hệ thống hồ đập trở thành nguy cơ hiện hữu, bất cứ lúc nào cũng có thể trực phát.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
An toàn hồ đập mùa mưa bão – Bài 3: Cần giải pháp hiệu quả và đồng bộ