Giới chức Malaysia đã áp dụng công nghệ “gieo” mây làm mưa nhân tạo nhằm xua tan khói mù và cải thiện chất lượng không khí vốn đang ở mức “rất nguy hại” cho sức người dân. Biện pháp này được triển khai tại thành phố Putrajaya, trung tâm hành chính của Malaysia ở phía Nam thủ đô Kuala Lumpua.
Tình trạng khói mù bao phủ thường xuyên xảy ra tại nhiều quốc gia Đông Nam Á trong mùa khô, khi người dân Indonesia tiến hành đốt rừng, phát quang đất để thu hoạch dầu cọ và các loại cây trồng khác cũng như các hoạt động tại lâm trường sản xuất các nguyên liệu giấy.
Khói mù tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 11/9/2019. Ảnh: Reuters
Ông Gary Theseira – một quan chức thuộc Bộ Môi trường Malaysia – cho biết chỉ số ô nhiễm ở một số nơi đã đạt đến mức có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe cư dân, trong đó “tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở Kuching” – thành phố có hơn 500.000 người sinh sống. Hiện Chính phủ Malaysia đã sẵn sàng thực hiện biện pháp tạo mây làm mưa nhân tạo để giảm bớt khói bụi, với các hóa chất đặc biệt đã được nạp đầy trên các máy bay.
Cơ quan Khí tượng Malaysia dự báo tình trạng khói mù này sẽ còn diễn biến tồi tệ hơn trong bối cảnh thời tiết nóng sẽ còn kéo dài ở nước này trong một tuần nữa và mùa gió mùa sẽ bắt đầu vào cuối tháng này hoặc đầu tháng tới. Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Malaysia cho biết sẽ khiếu nại với Chính phủ Indonesia về tình trạng khói mù, đồng thời kêu gọi phía Indonesia hành động nhanh chóng dập tắt cháy rừng.
Indonesia thường bị chỉ trích vì tình trạng cháy rừng do hoạt động phát quang lấy đất trồng trọt của người dân ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng không khí của nhiều quốc gia láng giềng.
Lê An (t/h)