ASEP 2017: Người trẻ chung tay vì môi trường

Theo TT|15/07/2017 02:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Năm nay Việt Nam có tám sinh viên đại diện tham gia Diễn đàn môi trường sinh viên châu Á (ASEP) 2017. Sinh viên tham dự phải có kiến thức về môi trường, văn hóa và kỹ năng mềm.

Các đại biểu ASEP được chia thành nhiều nhóm nhỏ tham gia buổi thực địa tại Vườn quốc gia Shiretoko (Hokkaido, Nhật Bản) vào trưa 5/8/2016  

ASEP 2017 sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 6-8 tại Nhật Bản (thành phố Tokyo, tỉnh Miyagi và tỉnh Chiba) với chủ đề chính “Đa dạng sinh học và sự tái sinh”. Tám sinh viên tham dự đều thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, trong số 64 sinh viên từ nhiều nước.

Những người xuất sắc

Chương trình nhận được sự hợp tác, hỗ trợ truyền thông từ nhật báo Mainichi (Nhật Bản) và báo Tuổi Trẻ. Khi tham gia, sinh viên sẽ có dịp đến thăm các trường đại học Nhật Bản như ĐH Waseda, ĐH ngoại ngữ Kanda, ĐH Tohoku; cùng trồng cây, thảo luận chuyên đề, giao lưu văn hóa.

Với chủ đề năm nay, tôi hi vọng mình được tìm hiểu sâu hơn về vai trò quan trọng của đa dạng sinh học đối với sự tồn tại và phát triển của thế giới, nhất là trong bối cảnh các loài sinh vật đang bị khai thác, đánh bắt quá mức cho phép. Ngoài ra, tôi cũng muốn biết sự phát triển mạnh mẽ của thực phẩm biến đổi gen sẽ tác động thế nào đến sự đa dạng chung của các loài”.

Để được lựa chọn là thành viên của ASEP, các sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội phải trải qua đợt tuyển chọn gắt gao bao gồm ba vòng xét duyệt hồ sơ và vòng phỏng vấn các kiến thức về môi trường, phát triển bền vững (bằng tiếng Anh).

Đoàn Trung Hiếu, sinh viên năm 3 khoa môi trường, chia sẻ bạn biết đến ASEP thông qua lời kể của các anh chị từng tham gia các năm trước. Theo đó, đây là chương trình giúp các bạn trẻ phát triển tối đa kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình, thảo luận và tư duy phản biện. Niềm vui được lựa chọn tham gia ASEP còn nhân đôi khi đây là lần đầu Hiếu tham dự với tư cách đại diện Việt Nam trong đoàn sinh viên quốc tế.

“Tôi đang cố gắng trau dồi thêm kỹ năng tiếng Anh để có thể tự tin hơn và giữ được hình ảnh đẹp của thanh niên Việt Nam khi giao tiếp với bạn bè các nước. Ngoài ra, tôi mong được tìm hiểu thêm về văn hóa, học hỏi những điều mới từ nước bạn” – Hiếu nói.

Dù đã tham gia ASEP 2016 nhưng Phạm Lan Hương, sinh viên năm 3 khoa môi trường, vẫn quyết định nộp đơn ứng tuyển lần hai. Và may mắn một lần nữa mỉm cười với cô. “Tôi muốn tìm cơ hội giao tiếp với bạn bè quốc tế để nâng cao kỹ năng ngoại ngữ và hiểu thêm con người và văn hóa nước khác” – Hương nói.

Hương kể về chương trình lần trước: “Cùng phòng chúng tôi có một bạn đạo Hồi. Nửa đêm cả phòng thấy bạn thức dậy thực hiện nghi lễ theo đạo rất trang nghiêm. Ở môi trường này, chúng tôi học được cách tôn trọng sự khác biệt”.

Chung tay vì môi trường

Có thể có nhiều khác biệt nhưng điểm chung của các sinh viên tham dự ASEP là mỗi người đều có những trăn trở về môi trường, khao khát được góp cho cộng đồng ngày một tốt đẹp hơn.

Trước khi đến với ASEP 2017, Đỗ Thu Hà (sinh viên năm 3) từng “bỏ túi” nhiều kinh nghiệm tham gia các chương trình về môi trường như sự kiện Giờ trái đất, Triển lãm về động vật hoang dã của Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới tại Việt Nam, Hội thảo quốc tế lần thứ 3 về môi trường hay Diễn đàn mô phỏng nghị viện trẻ 2017 với vai trò là phó chủ nhiệm Ủy ban môi trường.

Vì vậy, không có gì lạ khi ASEP – một chương trình giao lưu quốc tế bổ ích về đề tài môi trường do Nhật Bản tổ chức – luôn nằm trong “tầm ngắm” của cô bạn trẻ này.

Tham dự ASEP 2017, Thu Hà chia sẻ ngoài cơ hội trải nghiệm quy trình làm việc chuyên nghiệp và nghiêm túc của Nhật Bản, cô còn muốn cùng bạn bè quốc tế trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi thêm nhiều kiến thức về môi trường.

Tương tự Thu Hà, Lan Hương từng tham gia nhiều chương trình nghiên cứu về môi trường liên kết với các trường ĐH tại Mỹ, giảng dạy cho trẻ em về bảo tồn sinh học ở các vùng rừng núi phía Bắc.

“Năm ngoái, chúng tôi được tìm hiểu về cách người dân châu Á vận dụng các tập tục và nền văn hóa vào việc bảo vệ các loài động vật, ví dụ như tục thờ cá Ông của Việt Nam hay tục thờ thần rừng ở Nhật Bản. Đây là những kiến thức rất hay và thiết thực với những người tham dự” – Hương chia sẻ.

64 sinh viên được chọn

Đây là những gương mặt sinh viên có trình độ tiếng Anh tốt và nắm vững kiến thức về môi trường, đến từ các trường đại học danh giá của các quốc gia trong khu vực châu Á như ĐH Waseda (Nhật Bản), ĐH Hàn Quốc (Hàn Quốc), ĐH Malaya (Malaysia), ĐH Quốc gia Hà Nội (Việt Nam), ĐH Hoàng gia Phnom Penh (Campuchia), ĐH Indonesia (Indonesia), ĐH Chulalongkorn (Thái Lan), ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc).

Theo TT

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
ASEP 2017: Người trẻ chung tay vì môi trường
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.