Theo đó, UBND tỉnh Bắc Giang giao Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Đề án; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện; Tổng hợp kết quả thực hiện hàng năm, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo số liệu thống kê, tổng lượng thuốc BVTV của tỉnh dao động từ 130-140 tấn/năm. Trong quá trình sử dụng nhiều người dân còn vứt bao gói thuốc BVTV bừa bãi ngoài đồng ruộng, khoảng 88% khối lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng chưa được thu gom, vận chuyển và xử lý đúng quy định, tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường đất, nước, giảm chất lượng nông sản và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Đề án thu gom, vận chuyển xử lý bao gói thuốc BVTV trong hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2030 được xây dựng đã đánh giá thực trạng phát sinh, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh; từ đó đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và phân công cụ thể trách nhiệm cho các ban, ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền, địa phương, tổ chức, cá nhân.
Mục tiêu của Đề án là: Tỷ lệ bao gói thuốc BVTV được thu gom và xử lý đúng quy định đạt 95% vào năm 2025 và 97% trở lên vào năm 2030. Tỷ lệ bể thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh bảo đảm quy định đạt 95% vào năm 2025 và 100% vào năm 2026.
Kinh phí dự kiến thực hiện Đề án là 44,675 tỷ đồng; trong đó ngân sách Nhà nước 37,675 tỷ đồng, còn lại là kinh phí xã hội hóa.
Đề án là cơ sở nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2030. Việc thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, người sử dụng thuốc BVTV là chủ thể chính.