Bắc Ninh xử phạt 320 triệu hai hộ kinh doanh vàng mã gây ô nhiễm môi trường

Thơ Hoàng|17/07/2024 12:26
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

UBND tỉnh Bắc Ninh ra quyết định xử phạt hành chính hai hộ sản xuất giấy vàng mã, giấy kraft từ nguyên liệu tái chế nhưng không có giấy phép môi trường, đồng thời buộc di dời cơ sở sản xuất đến địa điểm phù hợp.

Vừa qua, UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính (855/QĐ-XPHC, 854/QĐ-XPHC cùng ban hành ngày 12/7/2024) đối với 2 hộ kinh doanh trên địa bàn Khu Dương Ổ, phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh về hành vi không có giấy phép môi trường theo quy định, tổng số tiền phạt 320 triệu đồng.

Hai hộ kinh doanh bị xử phạt là hộ kinh doanh của ông Ngô Văn Giang (Quyết định số 854/QĐ-XPHC) và hộ kinh doanh của ông Nguyễn Văn Dương (Quyết định số 855/QĐ-XPHC). Hai hộ đều sản xuất giấy vãng mã (sản xuất giấy từ nguyên liệu tái chế).

khoi-den-bua-vay-lang-nghe-giay.jpg
Khói đen đặc quánh bủa vây làng nghề sản xuất giấy tại Bắc Ninh.

Đối với hành vi vi phạm trên, cả hai hộ kinh doanh đều bị phạt tiền 160 triệu đồng và bị đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh 4,5 tháng. Ngoài ra, các hộ kinh doanh này còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc di dời cơ sở sản xuất đến địa điểm phù hợp với quy hoạch, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong thời hạn 270 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt. Quyết định xử phạt này có hiệu lực kể từ ngày ký, tức là ngày 12/7/2024 và được gửi tới các cơ quan, tổ chức có liên quan để phối hợp thực hiện.

Các trường hợp nêu trên phải báo cáo kết quả thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả về UBND tỉnh Bắc Ninh trước ít nhất 15 ngày làm việc, kể từ thời điểm hết hạn khắc phục hậu quả. Ngoài ra, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, nếu các hộ kinh doanh không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.

Cả hai hộ kinh doanh trên đều hoạt động không có giấy phép môi trường theo quy định. Đây là một hành vi vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Việc sản xuất, kinh doanh mà không có giấy phép môi trường có thể gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường như ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên thiên nhiên... do đó, việc xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm này là cần thiết để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

hang-ma-bac-ninh.jpg
Bắc Ninh được mệnh danh là "Thủ phủ hàng mã"

Mức độ xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính không có giấy phép môi trường theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 14, Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ. Theo đó, mức phạt tiền đối với hành vi này là từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: Đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh, buộc di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Trong trường hợp này, cả hai hộ kinh doanh đều bị phạt tiền ở mức 160.000.000 đồng, nằm trong khung xử phạt được quy định. Điều này cho thấy mức độ xử phạt được áp dụng một cách nghiêm minh, phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm của các hộ kinh doanh.

Bài liên quan
  • Gia Lai: Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ các mô hình chăn nuôi
    Với quỹ đất nông nghiệp rộng, Gia Lai là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh chăn nuôi đại gia súc, phát triển các mô hình trang trại quy mô lớn. Tuy nhiên, tỉnh cũng đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khi chủ đầu tư thiếu phương án bảo vệ môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bắc Ninh xử phạt 320 triệu hai hộ kinh doanh vàng mã gây ô nhiễm môi trường
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.