Bắc Ninh: Yêu cầu di dời toàn bộ hộ dân trong phạm vi sạt lở bờ sông đê hữu Cầu

Thái Bình|10/04/2024 14:37
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang yêu cầu khẩn trương di dời toàn bộ hộ dân sinh sống trong phạm vi sự cố đến nơi tạm trú an toàn, để tập trung chỉ đạo tháo dỡ các công trình đã bị sạt lở xuống sông.

Liên quan đến vụ sạt lở bờ hữu sông Cầu khiến 6 nhà dân đổ sập tại P.Vạn An (TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), ngày 9/4, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có buổi họp bàn giải pháp xử lý sự cố này.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh và UBND thành phố Bắc Ninh, sự cố sạt lở bờ sông đoạn từ K49+750 ÷ K49+800 đê hữu Cầu, phường Vạn An xuất hiện từ đầu tháng 03/2024 đến nay đã khiến 6 ngôi nhà bị sạt xuống sông và buộc sơ tán hàng chục hộ dân khỏi khu vực nguy hiểm.

bac-ninh.jpg
Yêu cầu di dời toàn bộ hộ dân trong phạm vi sạt lở bờ sông đê hữu Cầu (Bắc Ninh)

Qua kiểm tra cho thấy các công trình nhà ở liền kề với các công trình nhà đã sạt lở tiếp tục xuất hiện các vết nứt tường và nền nhà gây nguy cơ sạt lở ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân và an toàn đê điều tại khu vực này.

Trước sự việc trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang giao UBND thành phố Bắc Ninh thường xuyên theo dõi, cập nhật các diễn biến trong khu vực, thực hiện các biện pháp xử lý theo phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời khắc phục khi sự cố tiếp tục phát sinh, lan rộng hoặc lấn sâu vào thân đê.

“Khẩn trương di dời toàn bộ hộ dân sinh sống trong phạm vi sự cố đến nơi tạm trú an toàn; tập trung chỉ đạo tháo dỡ các công trình đã bị sạt lở nhằm hạn chế tải trọng cho bãi sông tại khu vực này, giảm nguy cơ phát sinh hiện tượng sạt trượt”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh.

Đồng thời rà soát toàn bộ các hộ sinh dân sống tại khu vực sạt lở và các khu vực lân cận có nguy cơ để đánh giá, phân loại, lập, phê duyệt phương án di dời, tái định cư trong thời gian sớm nhất nhằm đảm bảo an toàn và ổn định đời sống nhân dân.

Tổ chức rà soát các tàu thuyền neo đậu trên sông thuộc địa bàn khu Vạn Phúc để đề xuất biện pháp xử lý, giải tỏa; xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động nhân dân quyên góp ủng hộ các gia đình bị thiệt hại, đồng thời triển khai huy động mọi nguồn lực xã hội để hỗ trợ nhân dân khu vực bị ảnh hưởng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các ngành liên quan và UBND thành phố Bắc Ninh thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện các nhiệm vụ tại Quyết định công bố tình huống khẩn cấp và các giải pháp đảm bảo an toàn khu vực sự cố sạt trượt tương ứng từ K49+750 ÷ K49+800 đê hữu Cầu, phường Vạn An.

Cử cán bộ thường xuyên, trực tiếp xuống kiểm tra hiện trường sự cố để hướng dẫn về chuyên môn; tiếp tục chỉ đạo Hạt Quản lý đê thành phố phối hợp cùng chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình diễn biến sự cố để kịp thời báo cáo.

Phối hợp với đơn vị tư vấn khẩn trương tổ chức khảo sát địa hình, địa chất, đánh giá nguyên nhân và để xuất giải pháp xử lý sự cố sạt lở đoạn từ K49+750 ÷ K49+800 đê hữu Cầu và các khu vực có nguy cơ sạt lở trên địa bàn khu Vạn Phúc. Tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành lệnh khẩn cấp xây dựng công trình Xử lý sự cố sạt lở đoạn từ K49+750 ÷ K49+800 đê hữu Cầu, thành phố Bắc Ninh.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu, đề xuất bố trí nguồn kinh phí để thực hiện các biện pháp xử lý sự cố; Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng hướng dẫn UBND thành phố Bắc Ninh khẩn trương lập phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các hộ dân sinh sống trong khu vực sạt lở.

Đoạn Quản lý đường sông số 4 tiếp tục duy trì biển báo, phao báo hiệu, phân luồng tại các vị trí thượng, hạ lưu khu vực bị sạt lở để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy và người dân được biết, tránh xảy ra tai nạn đường thủy. Phối hợp với UBND thành phố Bắc Ninh tiến hành trục vớt các công trình bị đổ sập xuống lòng sông để khơi thông dòng chảy và đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắc Ninh: Yêu cầu di dời toàn bộ hộ dân trong phạm vi sạt lở bờ sông đê hữu Cầu