Bài 1: Cơ hội nào cho các tỉnh ĐBSCL phát triển kinh tế trước biến đổi khí hậu

Hà Anh (T/h)|18/06/2019 08:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những đồng bằng màu mỡ trên thế giới với các điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng cực kỳ thuận lợi cho phát triển nông nghiệp; là một trong những vùng đồng bằng có sản lượng nông sản lớn nhất khu vực Đông Nam Á và đứng đầu Việt Nam. Vậy cơ hội nào cho các tỉnh ĐBSCL phát triển kinh tế trước biến đổi khí hậu.

Vùng ĐBSCL là vùng đồng bằng trẻ với 4 triệu ha lúa và dân số khoảng 18 triệu người. Tiềm năng nổi bật nhất là nông nghiệp, đất đai trù phú, và có đến 60% nước ngọt của Việt Nam đổ về vùng này. Thành tích nổi bật là 90% gạo xuất khẩu của Việt Nam là từ vùng này; 100% cá tra xuất khẩu cũng tại đây; tôm xuất khẩu 70%; trái cây là 40-50%…

Bên cạnh đó, vùng ĐBSCL còn có lợi thế về chế biến nông sản; với lợi thế về mặt bờ biển, các ngành công nghiệp sạch (năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời) cũng có tiềm năng.

Ngoài ra, vùng này còn là cửa ngõ giao thương giữa Việt Nam với các nước AEAN, các nước tiểu vùng sông MeKong; tận dụng rất tốt về phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch cảnh quan gắn với nông nghiệp.

Trong thời gian qua, ĐBSCL có rất nhiều thành tựu, đặc biệt là về nông nghiệp: đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chủ lực, kể cả kinh tế cũng có nhiều mặt rất tốt. Tuy nhiên, chúng ta vẫn nghĩ vùng này chưa phát huy hết tiềm năng.

Nguyên nhân đầu tiên là việc định hướng phát triển cho vùng ĐBSCL chưa được rõ ràng. Mặc dù, vùng này có lợi thế về nông nghiệp nhưng hầu hết định hướng phát triển kinh tế của các tỉnh đều xây dựng rất nhiều các khu công nghiệp; trong đó, nhiều ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường; hạ tầng chưa tốt… tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp này chỉ chiếm từ 30-40%. Do đó, tính gắn kết, định hướng phát triển các ngành chủ lực chưa rõ ràng, tính gắn kết giữa nông nghiệp với công nghiệp dịch vụ chưa rõ.

Bên cạnh đó, các tỉnh đều thi đua, cạnh tranh lẫn nhau, thiếu sự điều phối toàn vùng, do đó có tình trạng cơ cấu kinh tế của tỉnh nào cũng “đẹp” như nhau. Tỉnh nào cũng xúc tiến đầu tư, “trải thảm đỏ” để cạnh tranh thu hút đầu tư…

Cuối cùng, nói một cách sòng phẳng, đầu tư vào vùng này ít, chưa tương xứng với tiềm năng, kể cả đầu tư nhà nước lẫn đầu tư tư nhân. Ngoài ra, đây còn là vùng trũng về nguồn nhân lực, do đó khó có khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật cũng như cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp…

Đối mặt với nhiều thách thức, trong đó nghiêm trọng nhất là thách thức do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như nước biển dâng, tình trạng xâm nhập mặn, lở đất, lũ thất thường,… Để vượt qua thách thức, biến đồng bằng sông Cửu Long thành một vùng phát triển thịnh vượng, ngày 17-11-2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu, đến nay ĐBSCL đã đạt được một số thành tựu.

Năm 2018, ĐBSCL tiếp tục đứng đầu cả nước về sản lượng lúa, tôm, cá tra và trái cây, tạo kim ngạch xuất khẩu khoảng 8,43 tỷ USD, chiếm 20% kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước.

Từng bước hình thành nhiều vùng chuyên canh các nông sản chủ lực, cơ cấu sản xuất chuyển dịch tích cực theo định hướng thị trường, thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, bảo đảm chất lượng và năng lực cạnh tranh. Cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng tăng thủy sản, tăng trái cây, tăng chăn nuôi, giảm diện tích trồng lúa…

Theo đánh giá của các chuyên gia, có được kết quả nêu trên là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố ĐBSCL. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng phải đối mặt với một số khó khăn: Tác động của biến đổi khí hậu khiến cấu trúc mùa vụ, năng suất thay đổi, dịch bệnh gia tăng. Những điểm bất hợp lý trong sự phát triển kinh tế nội tại vùng đồng bằng như: thâm canh lúa ba vụ, suy giảm tài nguyên rừng, khai thác tài nguyên cát, sỏi, nguồn nước ngầm, xây dựng hạ tầng, nhà ở ven sông cùng với các hoạt động kinh tế khác cũng gây tổn thương lớn đến vùng châu thổ và sự phát triển bền vững. Bên cạnh đó, chính sách, chiến lược, quy hoạch chưa theo kịp sự phát triển nhanh của thị trường; công nghiệp, dịch vụ, giao thông chưa hỗ trợ hiệu quả cho nông nghiệp.

Liên kết vùng còn hạn chế, việc khuyến khích đầu tư tư nhân chưa hiệu quả. Năng lực cán bộ địa phương, nông dân còn yếu; khả năng nghiên cứu và ứng dụng khoa học – công nghệ vào thực tế còn ít. Công tác phát triển thị trường, xúc tiến thương mại chưa tốt. Các mô hình sản xuất bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu còn tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, chưa có cơ sở về kỹ thuật và thị trường cũng như động lực và sự hỗ trợ đủ mạnh để nhân rộng. Chương trình xây dựng nông thôn mới chậm hơn so với mặt bằng chung cả nước, chất lượng đạt chuẩn chưa bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo cao, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng còn lớn. Việc làm phi nông nghiệp thiếu bền vững…

Để khắc phục những bất cập nêu trên, chúng ta cần tiếp tục triển khai một số giải pháp hữu hiệu như: Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch vùng và tỉnh ĐBSCL theo hướng tích hợp đa ngành, gắn kết với quy hoạch tổng thể về phát triển công nghiệp, dịch vụ, giao thông, điện, nước, đô thị, dân cư. Nâng cao khả năng liên kết vùng; huy động nguồn lực tổng hợp đầu tư cho phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng biến đổi khí hậu; đổi mới tổ chức sản xuất và phát triển chuỗi giá trị. Xây dựng các chương trình: thúc đẩy tích tụ ruộng đất, thu hút đầu tư phát triển chuỗi; các đề án ứng phó với lũ cực đoan, hấp thu lũ, thoát lũ; xử lý ô nhiễm nước mặt, tái tạo nguồn nước ngầm, cấp nước ngọt; bảo vệ và phát triển rừng. Tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ, nâng cao năng lực quản lý tài nguyên và môi trường. Thí điểm và nhân rộng các mô hình thích ứng thông minh với khí hậu.

Xây dựng đề án nông thôn mới cho ĐBSCL cùng tiêu chí đặc thù với các mô hình nông thôn mới kiểu mẫu cấp xã, huyện. Nếu làm tốt sẽ là nền tảng để trong tương lai ĐBSCL phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng, trên cơ sở phát triển phù hợp nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Hệ thống cơ sở hạ tầng được quy hoạch, phát triển đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo đảm an toàn trước thiên tai.

Hà Anh (T/h)

Bài liên quan
  • Cấp bách xử lý xâm nhập mặn, sụt lún tại ĐBSCL
    Moitruong.net.vn – Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, trên cơ sở các nhiệm vụ cụ thể được giao tại Nghị quyết 120, Kế hoạch hành động đã được ban hành, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để xử lý tình trạng xâm nhập mặn và sụt lún, sạt lở đang diễn ra ngày càng phức tạp, khó kiểm soát tại ĐBSCL.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Cơ hội nào cho các tỉnh ĐBSCL phát triển kinh tế trước biến đổi khí hậu