Triển khai các dự án ứng phó cấp bách
Sau khi ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, để xử lý vấn đề cấp bách, có ý nghĩa “sống-còn” với ĐBSCL là sạt lở bờ sông, bờ biển, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 795/QĐ-TTg hỗ trợ vốn cho các địa phương thuộc vùng ĐBSCL 1.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn còn lúng túng, dẫn đến việc còn 3 tỉnh, thành phố chưa triển khai thi công xây lắp. Một số tỉnh đã triển khai cũng gặp vướng mắc. Ví dụ như theo báo cáo của Cà Mau, tỉnh đã áp dụng nhiều biện pháp phòng chống sạt lở, cả giải pháp công trình và phi công trình; đã xử lý khắc phục sạt lở nhiều vị trí xung yếu với chiều dài gần 29.000 m; các tuyến kè giảm sóng đã tạo được bãi bồi phía trong tuyến kè, khôi phục hàng trăm ha rừng phòng hộ ven biển. Tuy nhiên, việc xác định nguyên nhân, cơ chế gây ra sạt lở để có giải pháp tổng thể phù hợp chưa được làm rõ; một số giải pháp công trình gây bồi tạo bãi có hiệu quả nhưng suất đầu tư còn tương đối cao, bình quân 20 tỷ đồng/km, vượt quá khả năng cân đối ngân sách của địa phương.
Thời gian qua, các địa phương vùng ĐBSCL đã tập trung nguồn lực triển khai các dự án cấp bách ứng phó với sạt lở bờ sông, bờ biển như: Xây kè chống sạt lở kiên cố ở các điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm; kè phá sóng và trồng rừng phòng hộ chắn sóng để phòng chống sạt lở; di dời, ổn định sinh kế người dân vùng bị sạt lở, sụt lún. Kết quả, mùa mưa lũ 2018 không gây thiệt hại về người do thiên tai.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, để ứng phó với lũ lụt, xâm nhập mặn, sụt lún tại ĐBSCL, Bộ đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động quan trắc, giám sát tài nguyên nước, xâm nhập mặn, biến động bùn cát, hải văn. Trong đó, đặc biệt đầu tư tăng cường công tác dự báo, cảnh báo thiên tai. Mạng lưới quan trắc gồm 29 trạm khí tượng thủy văn, 182 trạm thủy văn, 131 điểm đo mưa tự động. Cụ thể: trạm radar thời tiết Nhà Bè đã đi vào hoạt động góp phần quan trọng trong công tác dự báo, cảnh báo sớm các hiện tượng thiên tai như mưa lớn, dông, lốc ở khu vực Nam Bộ. Tần suất dự báo lũ từ 3 ngày cung cấp 1 bản tin lên 1 ngày cung cấp một bản tin (bản tin dự báo lũ hàng ngày) chi tiết cho 66 vị trí trạm khi lũ đầu nguồn sông Cửu Long ở mức cao; cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo khô hạn, xâm nhập mặn 10 ngày một bản tin phục vụ công tác phòng chống thiên tai.
Bên cạnh đó, hệ thống cụm tuyến dân cư vượt lũ và công trình kiểm soát lũ đã giúp người dân chủ động sống chung với lũ, khai thác được tối đa hiệu quả từ lũ và giảm thiểu thiệt hại. Việc dự báo lũ, mặn kịp thời, chính xác sẽ hỗ trợ rất lớn cho công tác chủ động ứng phó và điều chỉnh mùa vụ sản xuất.
Sống chung với lũ, lập bản đồ phân vùng lún
Nghị quyết 120 đã nhấn mạnh, phải xác định BĐKH và nước biển dâng là xu thế tất yếu tại ĐBSCL, phải sống chung và thích nghi, tức là phải “thuận thiên”; các giải pháp thích ứng phải tiếp cận từ tổng thể gắn kết liên vùng, liên tỉnh, liên khu vực; bắt đầu từ quy hoạch, điều phối phát triển đến các hoạt động đầu tư để đảm bảo hiệu quả.
Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, để ứng phó với lũ và xâm nhập mặn, cốt lõi là cần củng cố nâng cấp cơ sở hạ tầng kiểm soát lũ, mặn; chủ động sống chung với lũ, không tiếp tục mở rộng các khu vực canh tác 3 vụ ở vùng ngập sâu; tiếp tục xây dựng hợp lý các cụm tuyến dân cư vượt lũ, công trình hạ tầng kết hợp với sơ tán dân đảm bảo không bị ngập khi có lũ lớn tương đương lũ năm 2000.
Để thích ứng với giảm dòng chảy kiệt, gia tăng xâm nhập mặn, bên cạnh các giải pháp phi công trình (chuyển đổi mô hình canh tác, mùa vụ, giống…), cần kết hợp các giải pháp công trình để trữ – giữ nước trên hệ thống kênh, ô bao, các công trình kiểm soát xâm nhập mặn sâu trên nội đồng.
Bên cạnh đó, để đảm bảo sinh kế cho người dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng kiến nghị cần tăng cường nghiên cứu và đầu tư các biện pháp trữ nước ngọt cho toàn vùng như: đầu tư các hồ chứa nước ngọt ở các vùng phù hợp; đầu tư mở rộng, nạo vét hệ thống kênh, rạch trong các vùng nội đồng để trữ nước mưa, nước lũ.
Đối với vấn đề sụt lún, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cần lập bản đồ phân vùng lún cho toàn vùng (chi tiết đến cấp xã) trên cơ sở sử dụng công nghệ ảnh viễn thám qua các thời kỳ và tích hợp cùng với bản đồ ngập mặn do tác động của nước biển dâng toàn vùng làm cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các giải pháp thích nghi, ứng phó với nguy cơ ngập mặn do tác động kép của nước biển dâng và sụt lún đất.
Đồng thời, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống theo dõi, giám sát diễn biến sụt lún đất, nhất là tại một số khu vực có mức độ lún cao.
Đặc biệt, cần nghiên cứu xác định quy luật biến đổi lòng sông và các quy luật tác động đến sự ổn định của lòng, bờ, bãi sông; quan trắc, giám sát diễn biến dòng chảy, bồi lắng, sạt, lở bờ sông, bờ biển; khoanh định các khu vực cấm, tạm thời cấm khai thác cát, sỏi trên sông để phòng, chống sạt lở bờ sông.
Ngoài ra, để từng bước hạn chế khai thác nước dưới đất, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình nước sạch nông thôn, trong đó cần đầu tư, xây dựng hệ thống cấp nước tập trung nông thôn khai thác từ nguồn nước mặt nhằm giảm dần việc khai thác nước dưới đất của nhân dân để cấp nước sinh hoạt. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án cấp nước an toàn vùng ĐBSCL để chuyển dần từ khai thác nguồn nước dưới đất sang khai thác nguồn nước mặt trên quy mô toàn vùng, bảo đảm cấp nước an toàn và tạo tiền đề cho việc thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất.
Theo Baochinhphu.vn