Bài 3: Bài toán trồng lúa ở ĐBSCL trước biến đổi khí hậu

Hạnh Mai (T/h)|19/06/2019 06:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Vùng đồng bằng nên sản xuất ít gạo hơn để giảm tác động môi trường và biến đổi khí hậu, đồng thời thúc đẩy sản xuất gạo chất lượng cao và gạo đặc chủng.

Phần đất còn lại sẽ dành để trồng các loại nông sản có giá trị cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đó là ý kiến của đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN, đưa ra tại phiên thảo luận chuyên đề “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL” trong khuôn khổ diễn đàn ĐBSCL năm 2019 diễn ra sáng nay (18-6) tại TP.HCM.

Nông dân Bến Tre gặt lúa Nàng Keo, một giống lúa đặc sản có khả năng thích ứng với nước mặn – Ảnh: Trần Mạnh

Theo bà Phạm Hoàng Vân – chuyên gia của WB, tăng trưởng sản lượng nông nghiệp ở BĐSCL nói riêng và Việt Nam nói chung thời gian qua đạt được nhờ sử dụng ngày càng nhiều đầu vào với chi phi lớn hơn về môi trường.

Phần lớn tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam cho đến nay đều dựa vào mở rộng sản xuất hoặc tăng cường sử dụng đất và các tài nguyên thiên nhiên khác, cũng như sử dụng khá nhiều phân bón và các hóa chất khác trong nông nghiệp.

Do đó tăng trưởng nông nghiệp cũng đi kèm tác động xấu về môi trường như phá rừng, hủy hoại nguồn lợi thủy sản, suy thoái đất và ô nhiễm nguồn nước. Nói cách khác, tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam dựa khá nhiều vào sức lao động, tài nguyên thiên nhiên và hóa chất trong sản xuất.

Tuy nhiên, tiến bộ về năng suất, sản lượng và xuất khẩu nông nghiệp đã tạo ấn tượng nhiều hơn so với việc tăng hiệu suất, phúc lợi của nông dân và chất lượng sản phẩm. Việt Nam chưa theo kịp các nước trong khu vực các vấn đề liên quan đến năng suất lao động nông nghiệp và năng suất sử dụng nước.

Một khoảng cách đang hình thành giữa thu nhập nông nghiệp và phi nông nghiệp, sự bất bình đẳng về thu nhập đang gia tăng ở khu vực nông thôn. Hầu hết sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đều bán ở dạng thô, thường được định vị ở phân khúc chất lượng thấp hoặc trung bình của thị trường quốc tế.

Vì vậy trong tương lai, ngành nông nghiệp ở ĐBSCL phải đảm bảo “tăng giá trị, giảm đầu vào”. Tức là nông nghiệp phải mang lại nhiều lợi ích cho nhà sản xuất, người tiêu dùng và hệ sinh thái bằng cách sử dụng ít đất, nước, lao động, phân bón, hóa chất và năng lượng, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, ô nhiễm và chất thải. Điều này sẽ đòi hỏi sự thay đổi trong sử dụng đất, sản xuất, và tổ chức hiệu quả chuỗi giá trị và bán các sản phẩm theo nhu cầu của thị trường.

Nông nghiệp Việt Nam sẽ cần phải từ bỏ hình ảnh là một nhà cung cấp hàng hóa giá rẻ (có chất lượng thay đổi hoặc không chắc chắn), để hướng tới một vị thế vững chắc trên thị trường của một nhà cung cấp đáng tin cậy các sản phẩm chất lượng cao, an toàn, được sản xuất và phân phối một cách bền vững.

Tại hội thảo, GS Võ Tòng Xuân cũng cho rằng cần quyết liệt tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở ĐBSCL theo hướng giảm diện tích trồng lúa kém hiệu quả, sang các loại cây trồng và sản phẩm nông nghiệp giá trị cao.

Diện tích lúa gạo còn lại tập trung vào các loại có giá trị cao, đặc sản. Đồng thời chính sách của nhà nước cần thu hút hơn nữa các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào vùng này bởi doanh nghiệp, người thu mua đầu ra cho nông dân là thành phần quan trọng nhất của chuỗi giá trị nông nghiệp.

Hạnh Mai (T/h)

Bài liên quan
  • Đồng bằng sông Cửu Long: Thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển nuôi tôm sú bền vững
    Cụ thể, tăng gấp 03 lần năng suất nuôi tôm sú trong mô hình quảng canh cải tiến so với hiện tại, khoảng 300-350 kg/ha/năm và tăng hiệu quả sản xuất thông qua việc cải thiện đầu vào ứng dụng phát triển thực hành nuôi tốt, quản lý quy hoạch và vùng nuôi hiệu quả. Nâng cao chất lượng và sản phẩm tôm sú thông qua việc cải tiến quy trình sau thu hoạch, hậu cần và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bài 3: Bài toán trồng lúa ở ĐBSCL trước biến đổi khí hậu
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.