Đó là thông tin được ông Nguyễn Toàn Thắng, giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM cho biết tại buổi họp báo chiều 3/1.
Theo ông Thắng, công nghệ của bãi rác Đa Phước là công nghệ chôn lấp, do TP lựa chọn công nghệ. Nhà nước chỉ quản lý Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) thì chỉ xử lý đúng công nghệ.
Ông Thắng khẳng định công nghệ chôn lấp là phải chấp nhận có mùi hôi, vì hạn chế của công nghệ.
“Khi nào bãi rác đủ công suất thiết kế thì đóng cửa, TP chuyển sang công nghệ đốt rác mới xử lý triệt để mùi hôi. Dự kiến đến năm 2024 sẽ hết công suất bãi rác”, ông Thắng nói.
Khu xử lý rác Đa Phước.
Bãi rác lớn nhất thành phố đang xử lý khoảng 5.000 tấn rác mỗi ngày bằng công nghệ chôn lấp, do thành phố ký hợp đồng với Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS). Hiện, rác đã vượt độ cao quy chuẩn nên mùi hôi phát tán ra xung quanh vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là mùa khô sang mùa mưa và khi thay đổi hướng gió.
Đơn vị xử lý đang dùng nhiều biện pháp để hạn chế mùi hôi như phun xịt chất khử mùi, sử dụng cánh quạt có hơi nước đẩy mùi; làm các nhà kính ở các ô đang chôn lấp rác… Việc xử lý được giám sát bởi Ban quản lý các khu xử lý chất thải rắn thành phố.
Về tiến độ thực hiện dự án cây xanh cách ly của bãi khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, ông Thắng cho biết hiện đang thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Dải cây xanh cách ly sẽ hạn chế phát tán mùi hôi của rác ra các khu dân cư lân cận.
Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước nằm tại xã Đa Phước (huyện Bình Chánh) trên diện tích 128 ha, tổng vốn đầu tư hơn 107 triệu USD. Giai đoạn 1 của dự án (tổng vốn hơn 32 triệu USD) được đưa vào hoạt động từ tháng 11/2007.
Bãi rác Đa Phước là nguyên nhân gây mùi hôi thối khiến cả khu Nam Sài Gòn (quận 7, 8 và huyện Nhà Bè) bị ảnh hưởng trong thời gian dài. Tháng 9/2016, thành phố cam kết cùng doanh nghiệp xử lý nhưng hơn 3 năm qua mùi hôi nồng nặc vẫn tấn công người dân, gây bức xúc.
Mai Lê (t/h)