(Moitruong.net.vn) – Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị “Cung cấp thông tin và truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá” do Bộ Thông tin – Truyền thông phối hợp cùng Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức ngày 19/4.
Hút thuốc lá là tự giết chính mình – Ảnh minh họa
Cụ thể, Theo bác sĩ Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam, mỗi năm có 6 triệu người trên thế giới tử vong vì tác hại của thuốc lá (trong đó 5 triệu người do sử dụng trực tiếp, khoảng 600.000 người do tác hại gián tiếp). Còn tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá; là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nam giới với gần 28%/tổng số ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Trước những con số đáng sợ do thuốc lá gây ra, các chuyên gia bác sỹ đã đề xuất tăng thuế thuốc lá để người nghiện bỏ hút. Các diễn giả đến từ Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá cùng các chuyên gia y tế và đại diện tổ chức phòng chống tác hại thuốc lá quốc tế đều cho rằng: Giải pháp tăng thuế thuốc lá để hạn chế người mới tiếp cận, khiến người nghiện phải bỏ thuốc là tối ưu nhất đối với Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Theo ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm – đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, cần phải có giải pháp mạnh là tăng thuế đối với mặt hàng thuốc lá. Theo ước tính của WHO và Ngân hàng Thế giới, khi tăng thuế khoảng 10% đối với thuốc lá thì sẽ góp phần giảm tiêu dùng khoảng 4% ở các nước phát triển, 5% ở các nước đang phát triển; đặc biệt tỷ lệ hút thuốc ở người nghèo và trẻ em sẽ giảm rất nhiều.
Khả năng gây bệnh của hút thuốc lá đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng như ở nước ta. Hút 1 điếu thuốc tức là đã tự mình làm mất đi 5,5 phút cuộc sống. Tuổi thọ trung bình của người hút thuốc ngắn hơn so với người không hút thuốc từ 5 đến 8 năm. Hút thuốc làm tăng tỷ lệ tử vong từ 30 đến 80%, chủ yếu là do các bệnh ung thư (ung thư phổi), bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, các bệnh tim mạch…. Mức độ tăng nguy cơ phụ thuộc vào tuổi bắt đầu hút (hút thuốc càng sớm thì nguy cơ càng cao), số lượng thuốc hút trung bình với đơn vị là bao/năm tính bằng cách lấy số bao thuốc hút trung bình hàng ngày nhân với số năm hút (số lượng thuốc hút bao/năm càng lớn thì nguy cơ càng cao) và thời gian hút càng dài thì nguy cơ cũng càng lớn.
Yến Anh (T/h)