Báo động: Ô nhiễm không khí có thể giết chết 7 triệu người mỗi năm

Ngọc Ánh (t/h)|30/05/2019 00:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ô nhiễm không khí do các nguồn từ đun nấu tới khí thải xe hơi đã trở thành vấn đề sức khỏe môi trường tồi tệ nhất của thế giới, góp phần vào con số gây sốc có khoảng 7 triệu người chết sớm, trong đó, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có gần 4 triệu người.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, mỗi năm trên toàn thế giới, có khoảng 7 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí, trong đó, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có gần 4 triệu người. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tăng trưởng kinh tế với khoảng 92% người dân trên toàn thế giới không được hít thở không khí sạch, gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 5 nghìn tỷ đô la mỗi năm. Ô nhiễm ô zôn trên mặt đất dự kiến sẽ làm giảm 26% năng suất cây trồng chủ lực vào năm 2030. Ô nhiễm không khí đã và đang là một thách thức lớn đối với cộng đồng và toàn xã hội.

WHO cũng đưa ra cảnh báo, phần lớn số ca ung thư phổi do ô nhiễm không khí là từ các nước có thu nhập thấp hoặc trung bình, các nước thuộc vùng Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Theo các nhà y học, các chất ô nhiễm xuyên qua màng lọc của phổi, đi vào máu, ngấm vào các thành mạch gây tình trạng xơ vữa và tác động tức thời như viêm phổi, viêm mũi, hen suyễn, thậm chí về lâu dài gây ung thư phổi. Đặc biệt, có những người làm việc trong môi trường ô nhiễm như lò than, nhà máy xi măng bị xơ cứng phổi.

Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê không đầy đủ, những năm qua, số bệnh nhân bị bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí ngày càng tăng. Số trẻ em nhập viện điều trị bệnh hen suyễn, khuẩn hô hấp, ho tại một số bệnh viện ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tăng gấp nhiều lần. Theo dự báo của của các chuyên gia y tế, số ca ung thư, trong đó có ung thư phổi ở Việt Nam sẽ tăng mạnh trong 5 năm tới.

Đánh giá theo chỉ số chất lượng không khí (AQI) thời gian qua cho thấy, phần lớn thời gian, chất lượng không khí tại các khu vực có trạm đo ở mức tốt và trung bình. Một số trạm đo tại khu vực Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, Minh Khai của TP. Hà Nội có chất lượng không khí kém hơn. Đây là những khu vực có mật độ phương tiện giao thông cao, cộng với các công trình xây dựng, nâng cấp hạ tầng đô thị đang diễn ra làm phát sinh một lượng bụi lớn vào môi trường.

Kết quả quan trắc môi trường không khí tại một số thành phố lớn trong những năm gần đây cho thấy chất lượng không khí đã được cải thiện. Các thông số môi trường trong không khí (như NOx, SOx, CO…) có giá trị khá thấp, đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về chất lượng không khí xung quanh (theo QCVN 05:2013/BTNMT) và không có nhiều biến động so với những năm trước. Tuy vậy, nồng độ bụi cục bộ tại một số khu vực trong một số đô thị, đặc biệt, tại các khu vực đô thị lớn có giá trị vượt QCVN…

Tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở khu vực miền Bắc, ô nhiễm bụi vào thời gian mùa đông và đầu xuân tăng cao hơn những mùa khác trong năm. Đây cũng là hiện tượng thường gặp trong nhiều năm qua và có tính quy luật, ô nhiễm bụi mịn tăng cao vào thời gian tháng 12, tháng 1 – 2 và có thể kéo dài sang tháng 3 năm sau.

Ô nhiễm không khí gây nhiều bệnh tật ở người.

Để hạn chế, kiểm soát tình trạng ô nhiễm không khí, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch Hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí; Bộ TN&MT cùng các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức phi Chính phủ triển khai các hoạt động cụ thể nhằm ngăn ngừa tình trạng gia tăng ô nhiễm…

Mỗi người chúng ta cần chủ động tránh tiếp xúc trực tiếp với những yếu tố có hại trong môi trường và sử dụng các dụng cụ bảo hộ phù hợp nhất (đeo khẩu trang, đeo kính mắt), vệ sinh mũi họng, rửa mắt khi tiếp xúc môi trường có chất độc hại để giảm thiểu, tuy nhiên điều này cũng không có nghĩa là ngăn chặn được toàn bộ vì có những chất bụi mà kích thước quá nhỏ nên có thể lọt qua khẩu trang vào cơ thể gây hại.

Theo cơ quan này, hiện nay, mức độ ô nhiễm không khí trên địa bàn Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có chiều hướng gia tăng cả về thời gian và mức độ ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân đã được các cơ quan truyền thông phản ánh nhiều trong thời gian vừa qua. Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các đơn vị tiếp tục bố trí nguồn lực, tăng cường chỉ đạo, đôn đốc và giám sát các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện các nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 985a/QĐ-TTg.

Khẩn trương thống kê, đánh giá hiện trạng các điểm nóng xảy ra ô nhiễm không khí do bụi và khí thải có nồng độ các thông số vượt ngưỡng quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Xác định rõ nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất các biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Cập nhật và công bố thường xuyên thông tin chất lượng không khí trong thành phố; thông tin về các cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngọc Ánh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Báo động: Ô nhiễm không khí có thể giết chết 7 triệu người mỗi năm
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.