Báo động ô nhiễm không khí ở đô thị đang ở mức cao

Tú Anh (T/h)|05/09/2019 04:31
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số đông, hạ tầng xã hội phát triển không theo kịp nhu cầu, nên tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị trở nên báo động.

Trong những ngày cuối tháng 8, chất lượng không khí ở Hà Nội đều cho những kết quả trong ngưỡng kém và xấu ở các điểm quan trắc vào đầu giờ sáng. Đặc biệt, riêng ngày 26-8, chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Hà Nội và các tỉnh chung quanh, thông qua các ứng dụng đo thời tiết như Air Visual hay Pam Air đều ở ngưỡng rất cao, từ 151 – 200, báo động đỏ ở hầu hết các vị trí trong nội thành.

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí trong nhà có hại gấp nhiều lần đến sức khỏe do con người phần lớn ở trong nhà.

Nghiên cứu về nồng độ bụi siêu mịn (PM2.5) tại nhà ở trên địa bàn Hà Nội, PGS, TS Trần Ngọc Quang, Bộ môn Vi khí hậu – Môi trường xây dựng, Trường đại học Xây dựng cho biết, có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tác động xấu của bụi đến sức khỏe nhưng hiện chưa có công bố nào về bụi siêu mịn liên quan nhà ở tại Việt Nam. Để xác định nồng độ bụi siêu mịn trong nhà, PGS, TS Trần Ngọc Quang cùng đồng sự đã chọn các địa điểm đo ở Hà Nội là Linh Đàm, Nguyễn Khoái, Bưởi, Pháp Vân và Dương Nội. Kết quả về nồng độ bụi siêu mịn bên trong và ngoài nhà (hạt/cm³) trung bình là 27.000 – 31.000 hạt/cm³. Con số này tương đương kết quả quan trắc ở Bắc Kinh (Trung Quốc) là 30.000 hạt/cm³. Trong các địa điểm đo này thì khu vực Linh Đàm có mức độ ô nhiễm cao hơn các điểm còn lại.

“Bụi siêu mịn có tác động rất xấu đến sức khỏe. Nếu như bụi mịn khi vào cơ thể chỉ nằm lại ở cuống phổi thì bụi siêu mịn đi vào sâu trong túi phổi, chuyển từ hệ tiêu hóa sang hệ tuần hoàn, gây ra các bệnh tim mạch”, ông Quang khẳng định.

 PGS.TS Bùi Thị An – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP Hà Nội cho rằng việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô (trong đó có môi trường sống) là mục tiêu phấn đấu cho mọi ngành, mọi lĩnh vực mà Thành uỷ, Hội đồng nhân dân TP đã đặt ra. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hoá nhanh như hiện nay, cùng với việc gia tăng dân số trong khi hạ tầng xã hội không theo kịp với nhu cầu cho nên môi trường Hà Nội cũng bị ảnh hưởng, nhất là ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Hiện Việt Nam chưa có tiêu chuẩn hay khuyến cáo chính thống nên việc đánh giá chất lượng môi trường không khí trong nhà vẫn đang là thách thức. Vì vậy, theo các chuyên gia, cần nhanh chóng nghiên cứu, biên soạn tiêu chuẩn, khuyến cáo về nồng độ chất ô nhiễm cho phép trong không khí trong nhà. Ngoài ra, nên tổ chức quan trắc, đo đạc và đưa ra các đánh giá chất lượng không khí ngoài trời cũng như trong nhà định kỳ tại các khu vực nhằm bảo vệ sức khỏe người dân.

Đối với người dân, mỗi cá nhân hãy chủ động nâng cao hiểu biết để có cách bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Theo đó, chọn khẩu trang có khả năng ngăn được bụi mịn cũng như tránh hoạt động mạnh ở ngoài trời khi không khí ô nhiễm, chỉ số chất lượng không khí cảnh báo ở mức không tốt hoặc nguy hại. Thay đổi thói quen sinh hoạt, chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng, sử dụng tiết kiệm hiệu quả năng lượng. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa như hút bụi, giặt rèm cửa, giặt thú nhồi bông… Không nên hút thuốc trong nhà, không vận hành xe ô-tô hoặc động cơ chạy bằng nhiên liệu trong ga-ra. Nếu đun nấu, bếp cần có ống khói, máy hút mùi và trồng thêm cây xanh để điều hòa không khí.

Tú Anh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo động ô nhiễm không khí ở đô thị đang ở mức cao