Môi trường xã hội

Báo động ô nhiễm tại nông thôn miền Bắc, mức bụi mịn vượt chuẩn nhiều lần

Ngọc Ánh 14/01/2025 15:30

Ô nhiễm bụi mịn ở nông thôn miền Bắc đang gia tăng nghiêm trọng, với nồng độ vượt chuẩn nhiều lần, gây nguy hại cho sức khỏe và môi trường sống của người dân.

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2023 với chủ đề "Môi trường nông thôn - Thực trạng và giải pháp". Báo cáo phản ánh thực trạng chất lượng môi trường ở nông thôn, chỉ ra các nguy cơ gây ô nhiễm và những vấn đề môi trường bức xúc, nổi cộm tại khu vực nông thôn trong thời gian qua.

Theo thống kê, năm 2023 có hơn 62 triệu người dân sinh sống ở nông thôn, chiếm gần 62% dân số toàn quốc. Các kết quả quan trắc cho thấy, vùng nông thôn miền Bắc gặp tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, với mức bụi mịn PM 2.5 vượt quá quy chuẩn, có nơi lên tới 3,5 lần.

Ô nhiễm không khí tại nông thôn thường có sự phân hóa theo vùng miền, với mức ô nhiễm tại khu vực phía Bắc cao hơn so với miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam. Các làng nghề ở nông thôn là khu vực chịu ô nhiễm nặng nề nhất.

images-5-(1).jpg
Ô nhiễm bụi mịn ở nông thôn miền Bắc đang gia tăng nghiêm trọng

Vấn đề ô nhiễm không khí chủ yếu vẫn là ô nhiễm do bụi mịn. Các thông số khác như SO2, NO2, CO có kết quả quan trắc tự động, liên tục và định kỳ cho giá trị trung bình 1 giờ và trung bình năm thấp, chưa vượt giá trị giới hạn của QCVN 05:2023/BTNMT.

Tại các làng nghề, thành phần và nồng độ các chất gây ô nhiễm phụ thuộc vào loại hình sản xuất. Ô nhiễm mùi tập trung tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, giết mổ; ô nhiễm bụi phổ biến tại các làng nghề gốm sứ, chế tác đá, đồ gỗ mỹ nghệ; trong khi ô nhiễm khí độc hại thường tập trung nhiều ở các làng nghề tái chế.

Vấn đề ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề được ghi nhận chủ yếu ô nhiễm bụi. Kết quả quan trắc tại một số làng nghề ở thành phố Hải Phòng, các tỉnh Bắc Ninh, Ninh Bình và Tiền Giang năm 2022 cho thấy giá trị thông số TSP (tổng số bụi lơ lửng) cao, vượt giá trị giới hạn của QCVN 05:2013/BTNMT (trung bình 1 giờ), có khu vực vượt xấp xỉ 2 lần.

Kết quả quan trắc tại các làng nghề Lại Xuân (Hải Phòng), Phong Khê, Văn Môn (Bắc Ninh), Ninh Văn (Ninh Bình) cho thấy chỉ số bụi lơ lửng vượt quy chuẩn, có nơi vượt gần 2 lần.

Đặc biệt, tại Văn Môn (Bắc Ninh) - nơi có làng nghề đúc nhôm Mẫn Xá, chỉ số bụi mịn PM 2.5 liên tục vượt quy chuẩn từ năm 2020 đến nay. Các khu công nghiệp như Cụm công nghiệp Phong Khê 2, Lỗ Sung (Bắc Ninh) và Phong Phú (Trà Vinh) cũng ghi nhận chỉ số bụi mịn vượt quá quy chuẩn.

Trong năm 2021, có xấp xỉ 60%, đến tháng 10 năm 2023 có gần 50% số ngày ghi nhận giá trị thông số bụi PM2,5 vượt giá trị giới hạn trung bình 24 giờ của QCVN 05:2023/BTNMT.

Bên cạnh đó, xu hướng chuyển dịch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp về khu vực giáp ranh đô thị, các vùng ngoại thành đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường không khí ở các vùng nông thôn lân cận. Một vài khu vực đã có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ với nồng độ chất ô nhiễm ở mức cao, một số nơi đã vượt giá trị giới hạn.

Kết quả giám sát chất lượng môi trường không khí tại gần khu công nghiệp Tằng Loỏng, tỉnh Lào Cai ghi nhận giá trị thông số bụi PM 2.5 trung bình năm liên tiếp từ 2021 đến nay đều vượt giá trị giới hạn của QCVN 05:2013/BTNMT, thông số bụi PM 10 xấp xỉ vượt giá trị giới hạn.

Cũng theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, ô nhiễm không khí cục bộ gần các khu vực khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng vẫn tiếp diễn. Hiện nay, các lĩnh vực sản xuất vật liệu, năng lượng đã đầu tư các công nghệ mới, thiết bị mới, điển hình như công nghệ sản xuất vật liệu không nung, công nghệ có hiệu suất chuyển đổi năng lượng cao, phát thải thấp tại các nhà máy nhiệt điện than… do đó, phát thải bụi, SO2 và NOx ra môi trường đã phần nào được kiểm soát.

Tuy nhiên, kết quả giám sát tại một số khu vực vẫn tiếp tục ghi nhận dấu hiệu ô nhiễm không khí cục bộ. Điển hình tại khu vực khai thác, khu vực chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng ở các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ, Đà Nẵng, Vĩnh Long, giá trị thông số TSP vượt giá trị giới hạn trung bình 1 giờ của QCVN 05:2013/BTNMT từ 1,2 - 2,2 lần.

Tại khu vực gần hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản như khu vực Đông Tân, tỉnh Lạng Sơn, gần khu vực khai thác, vận chuyển đá cũng đã ghi nhận giá trị các thông số bụi cao, tỷ lệ số ngày trong năm có giá trị thông số bụi PM 10 và PM 2.5 vượt giá trị giới hạn của QCVN 05:2023/BTNMT cao hơn so với các khu vực khác.

Để giải quyết những vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường nông thôn, gắn với việc triển khai tiêu chí về môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, đồng thời tăng cường nguồn lực tài chính cho công tác bảo vệ môi trường nông thôn.

Việc xây dựng và nhân rộng các mô hình, giải pháp bảo vệ môi trường, xử lý chất thải cần được triển khai phù hợp với điều kiện đặc thù của từng khu vực. Các biện pháp ưu tiên cần tập trung vào quản lý chất thải sinh hoạt, thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt, đồng thời kiểm soát ô nhiễm tại các làng nghề và khu vực nông thôn.

Đây là một bài toán không dễ giải quyết, nhưng việc nâng cao nhận thức cộng đồng và tăng cường các biện pháp quản lý môi trường chặt chẽ sẽ là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo sự phát triển bền vững cho khu vực nông thôn trong những năm tới.

Theo Báo cáo Gánh nặng bệnh tật toàn cầu (IMHE, 2019), ô nhiễm không khí đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng về nguy cơ gây tử vong và bệnh tật tại Việt Nam, tăng một bậc so với năm 2017.

Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, bệnh tim, đột quỵ và ung thư phổi. Trẻ em, phụ nữ, phụ nữ mang thai, người già, người có thể trạng yếu, người đang mang bệnh là những đối tượng có nguy cơ cao bị suy giảm sức khỏe bởi ô nhiễm không khí. Mức độ ảnh hưởng đối với từng đối tượng tùy thuộc vào tình trạng sức khoẻ, nồng độ, loại chất ô nhiễm và thời gian phơi nhiễm.

Ngoài ô nhiễm không khí ngoài trời, ô nhiễm không khí trong nhà do khí thải từ các hộ gia đình cũng gây nguy cơ đến sức khỏe con người rất lớn, đặc biệt ở khu vực nông thôn, tại đây nhiên liệu sinh khối và than đá được sử dụng để nấu ăn và sưởi ấm là chủ yếu.

Việc đốt nhiên liệu rắn trong nhà được xem là nguồn 101 chính gây ra tình trạng ô nhiễm bụi mịn và thường được đánh giá bởi thông số bụi PM2,5.

Giá trị thông số bụi PM2,5 càng cao thì tình trạng ô nhiễm càng nghiêm trọng. Khói sinh khối làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi và các nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp trên ở trẻ dưới 5 tuổi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Báo động ô nhiễm tại nông thôn miền Bắc, mức bụi mịn vượt chuẩn nhiều lần
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.