Theo một báo cáo phát hành ngày 19/11, sản lượng nhiên liệu hóa thạch dự kiến sẽ khai thác vào năm 2030 vượt quá 50% so với mức yêu cầu để nhiệt độ trái đất không tăng hơn 2°C, và vượt quá 120% so với kịch bản 1,5°C.
Đây là kết quả của một công trình nghiên cứu chưa từng có, dưới sự bảo trợ của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP).
“Báo cáo này cho thấy, lần đầu tiên mức độ mất kết nối giữa các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, kế hoạch quốc gia (giảm phát thải) với các chính sách sản xuất than, dầu khí”, Michael Lazarus, một trong những tác giả cho biết.
Nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm 80% năng lượng sơ cấp toàn cầu, trong khi các công ty công nghiệp tiếp tục đầu tư mạnh mẽ để nâng cao sản lượng khai thác. Nhiên liệu hóa thạch đóng góp tới 75% lượng khí thải nhà kính toàn cầu.
Ảnh minh họa
“Mặc dù chính sách khí hậu đã ra đời từ hơn 2 thập kỷ trước, nhưng mức sản xuất nhiên liệu hóa thạch chưa bao giờ giảm”, Mans Nilsson, Giám đốc Viện môi trường Stockholm, một trong những tác giả của báo cáo cho biết.
Để minh họa cho con đường phía trước, các tác giả báo cáo nói về “khoảng cách sản xuất”, nghĩa là khoảng cách giữa những dự báo về sản lượng và mức độ tương thích với sự nóng lên 1,5°C hoặc 2°C.
“Khoảng cách sản xuất” đáng báo động nhất liên quan đến than: dự báo sản lượng than vào năm 2030 vượt quá 150% mức tương thích với mục tiêu 2°C và 280% mục tiêu 1,5°C.
Các dự báo về sản lượng dầu và khí đốt vào năm 2040 vượt quá 40 và 50% mức tương thích với sự nóng lên 2°C.
Tại Paris năm 2015, các quốc gia cam kết thực hiện kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, thỏa huận quy định rằng các nước sẽ lại họp bàn để tăng tham vọng cắt giảm khí thải vào cuối năm 2020.
Công trình nghiên cứu được thực hiện dựa trên dự báo về sản lượng than, dầu mỏ và khí đốt của 10 quốc gia chính: 7 nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch lớn (Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Ấn Độ, Úc, Indonesia và Canada) cũng như Đức, Na Uy và Vương quốc Anh.
Theo Petrotimes