Bảo vệ môi trường nhờ trồng rau từ rác hữu cơ

Khánh Ly|21/06/2017 08:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Mô hình xử lý rác thải bằng thùng nhựa để trồng rau sạch, hoa và cây xanh đang trở nên phổ biến ở các đô thị. Thêm vào đó, mô hình này còn góp phần to lớn để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Biến số rác hữu cơ thành phân hữu cơ, vừa giúp cải thiện môi trường lại có thể giúp ích cho việc trồng rau sạch, hoa và cây xanh

Mô hình trồng rau sạch từ rác thải được anh Nguyễn Ngọc Khuyến (trú P.Tân Thới Hiệp, Q.12, TP.HCM) sau một thời gian dài tự mày mò, nghiên cứu đã chế tạo thành công. Với mô hình tháp xử lý rác kết hợp trồng cây của mình, anh Khuyến đặt tên là “tháp bảo vệ môi trường”, tận dụng nguồn rác bếp, hữu cơ để trồng rau sạch tại nhà. Và với những tháp trồng cây này, gia đình anh đã dư rau sạch ăn hằng ngày, hơn nữa còn không phải tốn tiền rác.

Cách mà anh Khuyến nghĩ ra khá đơn giản, chỉ cần cho rác nhà bếp, rau củ mềm vào ống, vi sinh chuyển hóa thành mùn, trùn ăn mùn thải ra phân, phân trùn là nguồn dinh dưỡng cho cây, nên trồng cây trong tháp sinh trưởng nhanh hơn trồng đất và tốn ít nước.

Phương pháp ủ rác hữu cơ hộ gia đình thành phân trồng rau của anh Khuyến được tiến hành như sau:

  1. Các nguyên liệu cần cho quá trình ủ:

– Nguyên liệu cho đống ủ:

+ Thành phần nên cho vào: Cỏ tươi, lá cây khô, cơm thừa, rau quả hư hỏng…

+ Thành phần không nên cho vào: lá bạch đàn, lá tràm, lá sả tươi, vỏ cam, vỏ quýt vì các loại này làm ảnh hưởng đến sự phát triển của vi sinh vật.

– Thùng phi ủ: loại 160 lít

  1. Các bước thực hiện quá trình ủ thành phân

– Chuẩn bị thùng: Đục nhiều lổ nhỏ xung quanh thùng để có không khí vào, mỗi lỗ cách nhau 10 – 15 cm; và tạo 02 cửa rộng khoảng 0,2 – 0,3 m2 ở hai bên thành gần mép đáy thùng để lấy phân thành phẩm. Đặt thùng cách xa vị trí nước sinh hoạt, đặt thùng lên trên bệ bằng gạch hoặc bằng xi măng mục địch để thu nước rỉ từ thùng và dùng nước này tưới lên lại lên đống rác ủ trong thùng giúp rác mau phân hủy thành phân.

– Phân loại rác và cho rác hữu cơ vào thùng và thực hiện ủ rác.

  1. Các điều kiện trong quá trình ủ

– Kiểm tra độ ẩm:

+ Nếu bóp thấy nước rỉ ra ngoài kẻ tay là thừa nước, cần bổ sung thêm lá cỏ khô, rơm rạ để điều chỉnh độ ẩm.

+ Nếu bóp thấy rác dính chặt thì độ ẩm đạt yêu cầu.

+ Nếu bóp thấy rác không dính chặt (bời rời) thì không đủ nước, cần bổ sung thêm nước (vừa đủ).

– Đảo trộn và kiểm tra nhiệt độ:

+ Sau 10 ngày đảo phân trộn đều rác trong thùng một lần (chú ý đảo từ trong ra ngoài và đảo từ ngoài vào trong để các vật liệu được trộn đều). Tại mỗi lần đảo nếu thấy phân bị khô ta cần phải bổ sung thêm nước bằng cách tưới để độ ẩm luôn đạt 60%;

+ Sau 2-3 tháng, rác sẽ phân hủy thành phân compost.

+ Kiểm tra nhiệt độ bằng cách dùng một cành tươi cắm vào giữa khối phân ủ. Sau 5 hoặc 6 ngày rút cành cây ra khỏi đống phân và sờ vào phần cắm trong khối phân ủ, nếu thấy cành cây nóng mạnh là đạt yêu cầu.

+ Nếu nhiệt độ không tăng lên thì đống phân ủ không đạt yêu cầu có thể do thiếu ẩm, thiếu vi sinh vật hoặc do nén lên các vật liệu quá chặt.

– Lấy phân compost ra ngoài:

+ Sau 2-3 tháng thì lớp phân bên dưới đáy thùng sẽ phân hủy trước. Ta lấy phân ra từ 2 cửa bên dưới.

+ Phân tơi xốp, hạt mịn, không có mùi hôi thối, ngã màu nâu đen (đặc điểm của phân compost) lấy ra ở cửa bên dưới bón cho rau màu, cây kiểng.

+ Nếu phân lấy ra bị ướt, chưa mịn thì chưa đạt yêu cầu. Ta bỏ phân này ủ trở lại vào thùng và trộn chung với rơm rạ, lá cây khô hoặc tro bếp để giảm độ ẩm (nếu phân còn ướt).

Với cách làm này vừa giúp giảm thiểu đáng kể lượng rác thải hằng ngày ra môi trường, đồng thời tạo ra lượng phân sinh học tốt cho cây trồng, giảm thiểu lượng phân hóa học trong quá trình sản xuất. Đặc biệt, mô hình trồng rau sạch từ rác còn góp phần bảo vệ môi trường sống, giúp môi trường trở nên sạch đẹp hơn.

Khánh Ly


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bảo vệ môi trường nhờ trồng rau từ rác hữu cơ
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.