Sau một thời gian rút hết nước và xử lý ô nhiễm tại các hồ quanh hồ Tây, những ngày vừa qua, hơn 2000 cây sen Bách Diệp đã bắt đầu được đem về trồng và chăm sóc tại đây. Theo các hộ trồng sen, vấn đề lớn nhất hiện tại chỉ còn là kiểm soát nguồn nước từ hồ Tây chảy vào.
Chị Trần Thị Thủy - Quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết: “Nước hồ Tây bị ô nhiễm nên giờ điều khó khăn là ngăn nước hồ chảy vào các đầm này. Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp để khống chế nguồn nước. Trồng sen đến đâu mới đưa nước vào đến đó để đảm bảo sen sinh trưởng tốt.”
Trước khi được trồng tại hồ, những mầm sen này cũng đã được Viện nghiên cứu rau quả TW chọn lọc trong phòng thí nghiệm nhằm đảm bảo không mang gen sâu bệnh. Sau đó, sen đã được trồng thử nghiệm tại các chậu nhỏ với bùn tại các đầm. Những cây sinh trưởng tốt mới được đem trồng đại trà để có thể mang lại kết quả tốt nhất.
Ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Chủ tịch UBND phường Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội chia sẻ: “Quá trình thực hiện sẽ có những vướng mắc liên quan đến kỹ thuật nhưng UBND phường đã phối hợp với các chuyên gia để cùng đồng hành với người dân. Nếu có vấn đề gì sẽ kịp thời xử lý để đảm bảo việc khôi phục giống sen này…”
Trưởng phòng Kinh tế quận Tây Hồ, Hà Nội - Ông Trần Gia Hùng cũng cho biết: “Nếu như việc khôi phục sen thành công thì trong năm 2024, chúng tôi sẽ có đề án tổng thể cho những năm tiếp theo và quá trình phát triển sen sẽ được duy trì lâu dài trên địa bàn của quận trong thời gian tới.”
Sen Hồ Tây còn gọi là sen Bách Diệp có đặc điểm dễ nhận biết là cánh hoa kép màu hồng, có hương thơm lâu với phần gạo sen to và căng mọng. Đây là loại sen đặc biệt và hiện đã được công nhận sở hữu trí tuệ. Việc khôi phục loại sen Bách Diệp không chỉ có giá trị bảo tồn loại gen quý mà còn góp phần vào bảo tồn làng nghề làm trà sen truyền thống cũng như tạo nên đặc trưng phát triển du lịch cho địa phương.