Bà Võ Thị Năm (60 tuổi), thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm cho biết, rạng sáng 13/1, nước dâng cao gây ngập nhà. Vườn dừa của gia đình bà bị ngập hoàn toàn.
Bà Năm cho hay, sống từ nhỏ đến giờ, bà mới chứng kiến cảnh triều cường dâng làm ngập cao như vậy. Bà vừa bón phân để cây dừa có sức sống trong thời gian tới. Hiện nay, nước ngập làm rễ cây không phát triển được, có thể bị rụng trái.
Ông Nguyễn Văn Hiệp, xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm chia sẻ, gia đình ông vừa đắp đập ngăn mặn cho vườn cây ăn trái. Nước dâng cao tràn qua hệ thống đê ảnh hưởng đến sản xuất của gia đình. Theo ông Hiệp, triều cường năm nay cao hơn đỉnh triều các năm trước 20-30cm.
Nước mặn đã xâm nhập vào nội đồng. Nếu triều cường vẫn dâng cao vào dịp Tết sắp tới, khi đó độ mặn tăng cao, nguy cơ vườn cây bị ảnh hưởng, ông Hiệp lo lắng.
Triều cường ở Bến Tre lên cao ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều hộ dân
Theo nhiều nông dân khu vực huyện Giồng Trôm, tình trạng ngập do triều cường năm nay có thể nói đạt kỷ lục so với các năm trước đó. Khu vực các xã Bình Hòa, Châu Bình, Châu Hòa… trước đây triều cường dâng cao nhưng không ngập nhiều. Tuy nhiên, từ khi đóng hệ thống cống ngăn mặn tại cầu Trung Nhuận (xã Châu Bình) làm cho nước không chảy vào các xã của huyện Ba Tri nên dồn lại, gây ngập cao ở những khu vực trên.
Do ảnh hưởng của triều cường kết hợp nước dâng do gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh nên mực nước trên các sông chính duy trì ở mức xấp xỉ báo động II và sẽ tiếp tục gây ra tình trạng ngập úng khu vực kênh rạch nội đồng ở mức tương đương và cao hơn đợt triều lịch sử từ ngày 12 đến 15-1-2020.
Ngành chức năng cảnh báo các địa phương và người dân cần chủ động đối phó tình hình ngập úng, sạt lở do triều cường kết hợp nước dâng do gió mùa tại khu vực kênh rạch nội đồng của tỉnh.
Trọng Huy