Hôm 4-6, tổ chức Dự án Công khai tác động của khí thải carbon (CDP) có trụ sở ở Anh, công bố báo cáo khảo sát ý kiến đối với hơn 7.000 công ty trên thế giới về các rủi ro và cơ hội mà biến đổi khí hậu tạo ra đối với họ.
Khoảng ¾ số công ty trong danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới hoạt động trong các lĩnh vực từ công nghệ, khai khoáng cho đến thực phẩm và tài chính, đã tham gia trả lời khảo sát. Các công ty này bao gồm những cái tên đáng chú ý như Apple, Alphabet, JP Morgan, Visa, Microsoft, Unilever, UBS, Nestle, China Mobile, Sony, BHP…
Sau khi phân tích phản hồi từ 215 công ty có vốn hóa thị trường tổng cộng 17.000 tỉ đô la Mỹ nằm trong danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới, CDP phát hiện thấy các công ty này đối mặt với các thiệt hại trị giá gần 1.000 tỉ đô la trừ phi tiến hành các biện pháp chủ động ứng phó biến đổi khí hậu. Các công ty này cho biết phần lớn các thiệt hại này sẽ xảy ra trong vòng 5 năm tới.
215 trong số 500 công ty lớn nhất thế giới cho biết biến đổi khí hậu có thể gây thiệt hại cho họ gần 1.000 tỉ đô la Mỹ trong 5 năm tới. Ảnh: Environmentalleader.com
Bruno Sarda, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Bắc Mỹ của CDP, cho biết con số trên chỉ là “phần nổi của một tảng băng” vì mức thiệt hại do biến đổi khí hậu mà CDP nhìn thấy là rất lớn.
Các nghiên cứu trước đây ước tính các rủi ro của hiện tượng ấm lên toàn cầu, nếu không được khống chế, có thể khiến ngành tài chính của thế giới thiệt hại từ 1.700 – 24.200 tỉ đô la Mỹ.
Nhiều công ty đang đối mặt với các tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu. Chẳng hạn, tập đoàn Hitachi (Nhật Bản) cho biết lượng mưa và tình trạng lụt lội gia tăng ở Đông Nam Á có nguy cơ gây tê liệt hoạt động của các nhà cung ứng của tập đoàn này trong khu vực.
Ngân hàng Banco Santander Brasil ở Brazil ghi nhận các cơn hạn hán xảy ra thường xuyên hơn ở khu vực Nam Mỹ có thể gây tổn thương cho khả năng trả nợ của các khách hàng. Trong khi đó, tập đoàn Alphabet, công ty mẹ của Google, lưu ý nhiệt độ đang gia tăng của trái đất có thể đẩy tăng chi phí làm mát các trung tâm dữ liệu ngốn nhiều năng lượng của tập đoàn này.
Ở chiều lạc quan, 225 công ty trong số 500 công ty lớn nhất thế giới cho biết biến đổi khí hậu tạo ra các cơ hội kinh doanh trị giá 2.100 tỉ đô la cho họ trong 5 năm tới. Hầu hết các cơ hội đến từ các nguồn doanh thu từ các mảng kinh doanh bao gồm xe điện, năng lượng tái tạo.
Đáng chú ý, các công ty trong lĩnh vực khai thác nhiên liệu hóa thạch cho biết các cơ hội tiềm năng nhờ động lực hướng đến nền kinh tế carbon thấp sẽ tạo ra cho họ 140 tỉ đô la. Con số này cao gấp hơn 5 lần so với mức thiệt hại 25 tỉ đô la do biến đổi khí hậu gây ra đối với họ.
Một trung tâm dữ liệu của Google ở bang Iowa, Mỹ. Alphabet, công ty mẹ của Google, cho biết nhiệt độ đang gia tăng của trái đất có thể khiến chi phí làm mát các trung tâm dữ liệu. Ảnh: Reuters
Theo báo cáo khảo sát của CDP, có đến 80% công ty nhận thức được rằng biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến những thay đổi lớn bao gồm các mẫu hình thời tiết cực đoan. Tuy vậy, báo cáo khảo sát cũng cho thấy còn nhiều công ty vẫn đánh giá thấp các mối đe dọa của biến đổi khí hậu dù các nhà khoa học cảnh báo khí hậu của trái đất đang tiến gần đến điểm bùng phát thảm họa nếu như thế giới không nhanh chóng cắt giảm khí thải carbon.
“Hầu hết các công ty vẫn còn rất nhiều điều phải làm để thẩm định đúng đắn rủi ro biến đổi khí hậu… Ứng phó tập thể của chúng ta với biến đổi khí hậu đang trở nên khẩn cấp hơn bao giờ hết và rõ ràng, các doanh nghiệp không thể trì hoãn hành động nữa. Có một khích lệ rất lớn là các công ty cho biết giá trị tiềm năng của các cơ hội do biến đổi khí hậu tạo ra vượt xa tổn hại mà tình trạng này gây ra”, Nicolette Bartlett, Giám đốc tại CDP, tác giả của báo cáo khảo sát, nói.
Được thành lập vào đầu thập niên 2000, CDP là tiếng nói có trọng lượng trong một liên minh của các tổ chức bảo vệ môi trường, các công ty quản lý quỹ đầu tư, các ngân hàng trung ương và các nhà chính trị đang kêu gọi các công ty giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. CDP khuyến khích các công ty và các chính phủ công bố các thông tin liên quan đến biến đổi khí hậu.
Bằng cách vận động các doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu đối mặt với các rủi ro biến đổi khí hậu, CDP hy vọng sẽ thúc đẩy đầu tư ở các ngành công nghiệp sạch để cắt giảm khí thải carbon, kịp thời đạt được các mục tiêu chống biến đổi khí hậu trước khi quá muộn.
Dưới sức ép của các cổ đông và các cơ quan quản lý, các công ty đại chúng lớn nhất toàn cầu cũng đang gia tăng công bố các tác động tài chính cụ thể mà họ đối mặt khi nhiệt độ trái đất ấm dần lên, chẳng hạn thời tiết cực đoan sẽ làm xáo trộn các chuỗi cung ứng của họ như thế nào hoặc các quy định siết chặt khí thải carbon sẽ gây tổn thương cho các khoản đầu tư than và dầu khí ra sao?
Báo cáo của CDP cảnh báo thế giới chỉ còn 12 năm nữa để tránh thảm họa biến đổi khí hậu và kêu gọi các thay đổi nhanh chóng, rộng khắp và chưa có tiền lệ ở tất cả mọi khía cạnh của xã hội.
Mai Anh (T/h)