Theo báo cáo, biến đổi khí hậu gây ra xung đột do sự cạnh tranh các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, từ đó đe dọa đến sinh kế của người dân và gây ra hiện tượng di dân hàng loạt. Điều đáng lo là gần 1 tỉ người hiện sống trong những khu vực có nguy cơ cao chịu tác động của tình trạng toàn cầu ấm dần lên. Khoảng 40% người trong số này sống tại các nước đang có xung đột.
Một số chuyên gia hoan nghênh việc xem biến đổi khí hậu là một yếu tố đe dọa gây ra xung đột. Ông Manish Bapna, Giám đốc quản lý Viện Tài nguyên thế giới (Mỹ), nhận định với hãng tin Reuters rằng việc biến đổi khí hậu trở thành một phần của chỉ số hòa bình thế giới cho thấy chúng ta cần nhanh chóng hành động để đối phó mối đe dọa này. Báo cáo của IEP cho biết 9 quốc gia đối mặt nhiều nguy cơ nhất từ biến đổi khí hậu đều ở châu Á, trong đó có Philippines, Bangladesh, Myanmar, Trung Quốc…
Chỉ số hòa bình thế giới của IEP được tổng hợp dựa trên dữ liệu từ các tổ chức và viện nghiên cứu, chính phủ và trường đại học. Theo đài ABC News, báo cáo năm 2019 xếp hạng 163 nước dựa trên những tiêu chí như an toàn, an ninh, mức độ án mạng, xung đột đang diễn ra, quân sự hóa…Đứng đầu danh sách là Iceland trong lúc đội sổ là Afghanistan.
Từ khi được Đại Hội đồng Liên hợp quốc xác lập vào năm 1981, Ngày Quốc tế Hòa bình 21/9 là dịp để cả thế giới cùng nhìn lại mục tiêu củng cố và thúc đẩy các lý tưởng hòa bình tại mỗi nước cũng như giữa các quốc gia và dân tộc.
Năm nay, câu chuyện hoà bình được gắn với biến đổi khí hậu, một vấn đề mà Liên hợp quốc khẳng định đang tạo ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Nếu như “hòa bình” là một phạm trù rộng lớn và phổ quát, Ngày Quốc tế Hòa bình hằng năm đã giúp cụ thể hóa khái niệm này khi thường xuyên gắn chủ đề mỗi năm với các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, với nhận thức rằng sẽ không thể xây dựng một thế giới hòa bình nếu không đạt được sự phát triển kinh tế và xã hội cho người dân cũng như đảm bảo được các quyền và lợi ích của họ.
17 Mục tiêu phát triển bền vững, được các quốc gia thành viên Liên hợp quốc thông qua năm 2015, bao gồm nhiều vấn đề, từ nghèo đói, y tế, giáo dục, biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, nước, vệ sinh, năng lượng, môi trường và công bằng xã hội.
Trong đó, Mục tiêu thứ 13 là “Hành động Khí hậu” đã được chọn làm nền tảng cho Ngày Quốc tế Hòa bình năm nay với chủ đề “Hành động Khí hậu vì Hoà bình,” nhằm thu hút sự quan tâm toàn cầu về tầm quan trọng của việc chống lại biến đổi khí hậu như một cách để bảo vệ và thúc đẩy hòa bình trên toàn thế giới.
Trong thông điệp đánh dấu 100 ngày đếm ngược đến Ngày Quốc tế Hòa bình, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã khẩn thiết kêu gọi toàn thế giới cùng suy ngẫm về chủ đề năm nay.
Theo ông Guterres, “Hành động Khí hậu vì Hòa bình” gửi đi một thông điệp không thể rõ hơn: “Tình trạng khẩn cấp khí hậu toàn cầu là mối đe dọa đối với an ninh và ổn định. Các khu vực duyên hải và đất liền đang trở nên không phù hợp cho con người sinh sống, đẩy hàng triệu người buộc phải tìm kiếm sự an toàn và cuộc sống tốt hơn ở nơi khác. Trong khi đó, các hình thái thời tiết cực đoan và thảm họa tự nhiên trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn, châm ngòi cho các tranh chấp và xung đột đối với nguồn tài nguyên đang cạn kiệt.”
Rõ ràng hơn, thống kê của Liên hợp quốc chỉ ra số người mất nhà cửa do thiên tai nhiều gấp ba lần so với do các cuộc xung đột, tức là lên đến hàng triệu người.
Tại hội nghị về khí hậu và an ninh ở Hà Lan hồi tháng Hai vừa qua, các chuyên gia quốc tế cũng cảnh báo biến đổi khí hậu đang làm cạn kiệt trữ lượng nước tại nhiều khu vực trên thế giới, từ châu Phi, Trung Đông đến Caribe, đe dọa những ngành kinh tế chủ chốt cũng như tạo điều kiện để các băng nhóm tội phạm lôi kéo những người trẻ thất nghiệp.
Biến đổi khí hậu đang là tác nhân gây ra nghèo đói, xung đột, kém phát triển và đẩy con người tại nhiều khu vực trên thế giới ngày càng xa ngưỡng cửa hòa bình, ổn định.
Nông dân ở Úc đang đối mặt tình trạng hạn hán và sa mạc hóa do tác động của biến đổi khí hậu Ảnh: ABC News
Nhưng theo ông Guterres, quan trọng hơn việc nhìn vào thực tại u ám là việc các chính phủ cần nhận thức được rằng giải pháp xây dựng một thế giới, nơi con người có thể sống hài hòa với môi trường và với nhau, đang nằm chính trong tay chúng ta.
Các biện pháp đã được Liên hợp quốc vạch ra: đánh thuế ô nhiễm; ngừng trợ cấp nhiên liệu hóa thạch; ngừng xây dựng các nhà máy than đá mới vào năm 2020; tập trung vào một nền kinh tế xanh…
Tuy nhiên, hầu hết các chính phủ cho đến nay vẫn chần chừ trong việc ngăn chặn bước tiến của biến đổi khí hậu.
Nhân Ngày Quốc tế Hòa bình năm nay, Tổng thư ký Liên hợp quốc đã triệu tập Hội nghị thượng đỉnh về hành động khí hậu vào ngày 23/9, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ).
Thay vì những lời kêu gọi và cam kết suông, ông Guterres muốn hội nghị này sẽ là nơi các chính phủ chia sẻ những ví dụ cụ thể và có thể nhân rộng về cách cắt giảm khí thải nhà kính.
Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh tuyên bố: “Đừng mang đến một bài diễn văn, hãy mang đến một kế hoạch. Tôi đã yêu cầu các nhà lãnh đạo thế giới đến với sự kiện này cùng với các kế hoạch cụ thể và thực tế để nhanh chóng đẩy nhanh hành động để thực hiện Hiệp định Paris, và thực hiện một sự thay đổi quan trọng hướng tới một tương lai sạch hơn, an toàn hơn và xanh hơn.”
Đáng chú ý, ông Guterres nhấn mạnh trong nỗ lực này, cộng đồng toàn cầu sẽ được hỗ trợ bởi nhiệt huyết của người trẻ trên khắp thế giới, những người hiểu rằng tương lai của họ đang bị đe dọa.
Trong thời gian qua, Liên hợp quốc đã đẩy mạnh nỗ lực hỗ trợ các phong trào khí hậu của thanh niên, nổi bật trong đó là Greta Thunberg, nhà hoạt động khí hậu 16 tuổi người Thụy Điển.
Phong trào học sinh, sinh viên tuần hành vì khí hậu do cô gái này khởi xướng từ một năm trước tại Stockholm, đã lan truyền như ngọn lửa trên khắp thế giới, truyền cảm hứng cho hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên rời khỏi lớp học để xuống đường yêu cầu chính phủ hành động.
Khi Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về hành động khí hậu vào ngày 23/9 tới, thời hạn 12 năm để nhân loại cắt giảm 45% khí thải nhà kính nhằm đạt mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt độ dưới 1,5 độ C, sẽ dần lùi xuống còn 11 năm.
Như ông Guterres đã nói rất rõ ràng trong tuyên bố nhân Ngày Quốc tế Hòa bình, hòa bình không chỉ có nghĩa là một thế giới không có chiến tranh, mà có nghĩa là xã hội ổn định, bền vững, nơi mọi người có thể được hưởng các quyền tự do cơ bản và phát triển, thay vì phải chật vật để đáp ứng các nhu cầu cơ bản.
Biến đổi khí hậu, do đó, là một cuộc khủng hoảng toàn cầu vì nó đang đẩy nhân loại ngày càng xa hơn ngưỡng cửa ổn định và bền vững phổ quát đó.
Nhìn chung, báo cáo của IEP nhận định thế giới hiện ít yên bình hơn 10 năm trước do những yếu tố như cuộc xung đột ở Trung Đông, sự gia tăng của chủ nghĩa khủng bố và làn sóng người tị nạn.
Ngọc Ánh (t/h)