Biến đổi khí hậu và An ninh lương thực tại các quốc gia đang phát triển

Hoàng Anh|23/10/2022 14:05
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Vừa qua, Viện Quốc tế Pháp ngữ - ĐHQGHN (IFI), Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) đã phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế “Biến đổi khí hậu và An ninh lương thực tại các quốc gia đang phát triển”.

Hội thảo gồm 2 phiên thảo luận chuyên sâu về chủ đề “Biến đổi khí hậu” và “An ninh lương thực”, được tổ chức dưới hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của đại diện các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học kết nối từ các điểm cầu khắp thế giới.

Hội thảo “Biến đổi khí hậu và an ninh lương thực tại các quốc gia đang phát triển” nằm trong chuỗi sự kiện thuộc Diễn đàn quốc tế Franconomics lần thứ IV-2022. Nhằm hướng đến mục tiêu làm rõ tình trạng biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu với ngành sản xuất lương thực hiện nay tại Việt Nam nói riêng và các quốc gia đang phát triển nói chung.

bien-doi-khi-hau.png
Ảnh minh họa

Trao đổi về kinh nghiệm, giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực và đưa ra các đề xuất để nâng cao năng lực nghiên cứu triển khai, đề xuất chính sách với Đảng và Chính phủ nhằm giảm tác động của biến đổi khí hậu với ngành nông nghiệp và phương thức hợp tác với các nước đang phát triển để hình thành nỗ lực chung nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong tương lai.

Phát biểu khai mạc, ông Ngô Tự Lập, Viện trưởng IFI cho biết Hội thảo tập trung về tình hình biến đổi khí hậu và an ninh lương thực tại các nước đang phát triển, mối quan hệ giữa an ninh lương thực và biến đổi khí hậu, an ninh lương thực đô thị trong thời đại môi trường dễ bị tổn thương, tác động của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp/nuôi trồng thủy sản, hệ thống lương thực toàn cầu và tác động đối với biến đổi khí hậu.

Phiên hội thảo đầu tiên với chủ đề về “Biến đổi khí hậu” do ông Hervé Conan, Giám đốc Cơ quan phát triển Pháp tại Hà Nội (AFD) làm chủ tọa với sự tham gia diễn thuyết, thảo luận của các diễn giả: ông Emmanuel Pannier, đại diện ban dự án GEMMES; ông Julien Chevillard, Trưởng bộ phận Cố vấn kỹ thuật tại Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Campuchia; ông Serge Janicot, Giám đốc Nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu và Phát triển (IRD); bà Marième Ngom, thành viên Nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Nước và Môi trường tại Pháp.

Chuyên đề 2 với chủ đề “An ninh lương thực” do ông Edmond Dounias, Giám đốc Nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu và Phát triển (IRD) chủ tọa thực sự thu hút với những tham luận chia sẻ kinh nghiệm thực tế về tình hình an ninh lương thực tại các quốc gia khác nhau của các diễn giả: bà Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế Việt Nam; bà Anne Brunnel đại diện từ Nền tảng toàn cầu về hệ thống lương thực cho người bản địa, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tại Ý; ông Eric Verger, Viện Nghiên cứu và Phát triển (IRD); bà Marie Walser, Chuyên gia về mất an ninh lương thực, chương trình lương thực thế giới của UNESCO, Montpellier, Pháp.

Hiện tượng khí hậu diễn biến tiêu cực không phải là vấn đề mới, điều cần thiết là các tổ chức Chính phủ tại Việt Nam phải nắm bắt được thực địa và hiểu rõ vấn đề để tìm ra giải pháp cho người dân trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Quá trình thực địa, ông Emmanuel nhận thấy có nhiều hệ sinh thái khác nhau, vì vậy, mà nguồn lực ứng phó của mỗi địa phương cũng khác nhau.

Tìm ra cách thích nghi thông qua việc sử dụng quỹ đất, quỹ tín dụng, so sánh định hướng xã hội của Việt Nam hiện nay để có thể xây dựng chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Qua đó, rất cần thiết cho việc sử dụng 80% nguồn vốn với thích nghi biến đổi khí hậu nên được đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các giải pháp mềm. Việt Nam cần rút ra những bài học kinh nghiệm trong biến đổi khí hậu từ các nước khác, đồng thời, xây dựng công cụ nghiên cứu phù hợp với tình hình thực tế.

Qua đó, nhiều nghiên cứu, tham luận trong hội thảo cũng được đặt ra để chia sẻ các vấn đề về tình hình biến đổi khí hậu và an ninh lương thực tại các nước đang phát triển, mối quan hệ giữa an ninh lương thực và biến đổi khí hậu, an ninh lương thực đô thị trong thời đại môi trường dễ bị tổn thương, tác động của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp/nuôi trồng thủy sản, hệ thống lương thực toàn cầu và tác động đối với biến đổi khí hậu. Từ đó, tìm ra giải pháp, mô hình phù hợp để áp dụng hướng đến việc thích ứng biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Biến đổi khí hậu và An ninh lương thực tại các quốc gia đang phát triển
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.