Biến nhà hàng thành ‘quán cơm dã chiến’ phục vụ người nghèo giữa đại dịch covid-19

Nhật Mai (T/h)|17/04/2020 03:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trưa 16-4, nhiều công nhân, người thu mua ve chai, người đạp xích lô… ghé qua một nhà hàng trên đường Ung Văn Khiêm (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) để nhận phần cơm trưa miễn phí.

6h sáng 15/4, đầu bếp và một số tình nguyện viên đã có mặt ở số 100 Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh. Địa điểm này vốn là một nhà hàng đang đóng cửa vì Covid-19 được anh Khởi mượn làm “quán cơm dã chiến”.

10h30, tình nguyện viên cho cơm vào thùng để chở đi phát. Khoảng 200 phần cơm đã được chuyển tận tay đến người khó khăn. Ảnh: Diệp Phan.

Lý giải tên gọi này, Nguyễn Tuấn Khởi, 36 tuổi, chủ một doanh nghiệp thực phẩm đồng thời cũng là người khởi xướng và quản lý quán cơm cho biết: “Từ dã chiến thể hiện sự gấp rút, nhanh gọn trong việc hỗ trợ bữa cơm cho người nghèo. Địa điểm nấu cơm có thể thay đổi liên tục nếu được sự hỗ trợ mặt bằng từ phía các chủ nhà hàng, quán ăn”.

Kể từ khi Covid-19 xâm nhập vào Việt Nam, doanh nghiệp của anh Khởi cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Khi tình hình dịch diễn biến phức tạp, chứng kiến những người lao động nghèo kiệt quệ vì thất nghiệp, không có thu nhập, anh quyết định tìm cách hỗ trợ họ, ít nhất là từng bữa ăn.

Để triển khai quán cơm dã chiến, người đàn ông 36 tuổi này có thể huy động được nguồn thực phẩm và nhân lực nhưng anh không có địa điểm nấu và phân phát. Khi thành phố yêu cầu các hàng quán, dịch vụ không thiết yếu đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch, anh nghĩ ngay đến việc tận dụng căn bếp của những nhà hàng đang phải tạm đóng cửa. “Cơ sở vật chất nấu nướng đã có, chúng tôi chỉ cần chuyển thực phẩm đến và nấu. Nếu ngày mai chuyển đến chỗ khác thì chỉ cần dọn dẹp 5 phút là xong”, anh Khởi nói.

Để đảm bảo quy định về giãn cách xã hội, quán cơm dã chiến hạn chế phát tại chỗ. Một nhóm tình nguyện viên sẽ chở cơm đến những xóm lao động, cổng bệnh viện để phát. Trên đường đi, nếu thấy có người nhặt ve chai, người vô gia cư… các tình nguyện viên sẽ dừng lại trao cơm tận tay họ.

Sáng sớm nay, anh Khởi đã tìm đến những người xe ôm quanh khu vực phường 25, quận Bình Thạnh để nhờ họ giao cơm. Quán sẽ bắt đầu phát cơm từ 10h30, từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, nếu bác tài nào rảnh hoặc tiện đường thì ghé quán lấy cơm đi phát trên tinh thần tự nguyện.

Ngày đầu tiên, đã có ba tài xế xe ôm nhận lời. “Mấy chú xe ôm là thổ địa ở vùng này, họ đi nhiều và biết nhiều hoàn cảnh. Điều này đảm bảo cơm sẽ đến được với người khó khăn thật sự”, anh Khởi nói.

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, 51 tuổi, một tài xế xe ôm đã đến quán lấy 5 phần cơm đi phát cho những người khó khăn ở khu vực mà ông biết. Sau khi phát xong, ông chụp hình và gửi cho anh Khởi. Ông Tuấn hứa nếu ngày mai tiện đường sẽ ghé đến lấy cơm đi phát tiếp. Khi được quán tặng một phần cơm, ông Tuấn từ chối. “Tôi thấy mình còn lo được bữa ăn mà lấy làm gì, để dành cho người thật sự cần”, ông nói.

Khoảng 11h, bà Ngô Thị Trang, 60 tuổi, đẩy xe nhặt ve chai đi ngang quán và được tặng cơm. Bà Trang quê ở Huế, cùng chồng vào Sài Gòn làm nhiều nghề để sinh sống. Vợ chồng bà thuê trọ trong một con hẻm trên đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh. Khi dịch Covid-19 xuất hiện, ông chồng là một thợ xây đã thất nghiệp. Công việc chính của bà Trang là dọn dẹp nhà cửa thuê, nhưng cũng phải tạm dừng vì chủ nhà hạn chế tiếp xúc nhiều người. Gần một tháng nay, bà tập trung đi nhặt ve chai.

Thấy hoàn cảnh vợ chồng bà khó khăn, phường đã hỗ trợ bà hai bao gạo. Vợ chồng bà để dành ăn dần vì không biết khi nào dịch bệnh mới hết hẳn. Hàng ngày đi nhặt ve chai, bà Trang thường được cho cơm từ thiện. Đó cũng là những bữa ăn ngon hiếm hoi của bà từ đầu mùa dịch đến giờ.

“Ở nhà vợ chồng tôi ăn mắm muối qua loa thôi, cơm từ thiện vậy mà ngon hơn, có đủ các món”, cầm hộp cơm trên tay, bà khoe.

Chị Maya Dany (45 tuổi, ngụ tại Bình Thạnh) làm nghề thu mua ve chai kể, năm ngoái, bằng giờ này chị cùng gia đình đang đón tết cổ truyền của dân tộc Khmer tại Sóc Trăng nhưng nay kinh tế khó khăn, chị chỉ mủi lòng gửi nhớ thương về quê nhà.

Cầm hộp cơm trên tay, chị nói thu nhập giờ đây cũng ít ỏi, có những ngày chỉ lời vài chục ngàn đồng nên không dám ăn cơm trưa. May mắn một vài nơi phát cơm từ thiện, chị có được bữa trưa.

Một bệnh nhân ở bệnh viện Ung Bướu, quận Bình Thạnh được tặng cơm. Đây là địa điểm phát cơm quán ưu tiên vì đông bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Diệp Phan

Ông Đặng Tốt – một người đạp xích lô (Q.Bình Thạnh) – cho biết dịch đến, cuộc sống gia đình khó khăn hơn, ông còn phải nuôi đứa con nhỏ và người mẹ già. Cơm trưa ngày ăn ngày không, nếu có cơm từ thiện ông đỡ được một khoản chi phí gia đình.

Ngày đầu khai trương, quán cơm dã chiến đã nhận được sự hỗ trợ từ nhiều đơn vị tài trợ, chủ yếu là thực phẩm đóng gói sẵn, đảm bảo vệ sinh. Nơi nấu cơm là một nhà hàng lớn, có đủ dụng cụ nấu nướng, không gian rộng. Với hai đầu bếp chính và khoảng 10 tình nguyện viên, 500 phần cơm đã nấu xong trong một buổi sáng. Mỗi phần cơm có ba món gồm món chính là thịt, món rau và canh, giá trị khoảng 25.000 đồng.

Với nguồn lực hiện tại của nhóm, anh Khởi chỉ có thể đảm bảo sẽ mở thêm 1-2 quán cơm dã chiến khác. Điều mà anh hy vọng đó là mô hình dã chiến sớm được nhân rộng.

Ông Trần Thanh Nam – phó chủ tịch UBND phường 25, Q.Bình Thạnh – cho biết phường đã nắm tình hình hoạt động của “quán cơm dã chiến”. Qua kiểm tra quán cơm có sử dụng biện pháp phòng chống dịch COVID-19 như giãn cách 2 mét khi phát cơm, sát khuẩn tay liên tục… và cho phép nhà hàng phát cơm nhưng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Nhật Mai (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Biến nhà hàng thành ‘quán cơm dã chiến’ phục vụ người nghèo giữa đại dịch covid-19
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.