Chống lũ lụt là một trong những vấn đề được quan tâm của nhiều nước trên thế giới, mực nước biển dâng cao và mưa lũ diễn ra thường xuyên, kể cả ở những đất nước phát triển như Italia, Mỹ, Nhật… đều đứng trước nguy cơ ngập lụt thường xuyên. Vậy, những thành phố này đã làm gì để “sống chung với lũ”?
Những công trình chống ngập vĩ đại
Một số thành phố lớn khác như Tokyo (Nhật) hay London (Anh) lại chống lụt bằng những công trình vô cùng vĩ đại, đòi hỏi kỹ thuật cao. Tại Tokyo, chính quyền địa phương xây Kênh xả nước ngầm khu vực đô thị (MAOUDC) nằm ở độ sâu 22m, trị giá 2 tỷ USD, mới được hoàn thành năm 2016.
Kênh này bao gồm một hệ thống đường hầm dài 6,3km và nhiều bể ngầm hình trụ khổng lồ với diện tích đủ lớn để chứa cả tàu con thoi hay tượng Nữ thần Tự do chỉ để chứa nước.
Hệ thống này giúp hút nước từ sông nhỏ và trung bình ở phía Bắc Tokyo dẫn nước tới sông lớn. MAOUDC đã trở thành cứu tinh cho Tokyo mỗi mùa nước lũ dâng cao và được mệnh danh là “ngôi đền chống ngập”.
Singapore đã xây nhiều hồ trữ nước để vừa có thể chống lụt, chống nước dâng, vừa có nguồn nước ngọt cho người dân. Công trình tiêu biểu là hồ chứa và đập Marina Barrage dài 350 m với chi phí 135 triệu USD.
Nếu mưa lớn khi thủy triều xuống, các cổng đập sẽ được hạ xuống để giải phóng lượng nước dư thừa từ hồ chứa ra biển. Nếu mưa lớn xảy ra khi thủy triều lên, các cổng sẽ được đóng lại, máy bơm thoát nước khổng lồ được kích hoạt để bơm nước thừa từ hồ chứa ra biển.
Đập Marina Barrage nhìn từ trên cao
Còn nước Anh có công trình chống ngập Thames Barrier là hệ thống đập dài 520 m vắt ngang sông Thames ở đoạn Woolwich, phía đông thủ đô London, nhằm ngăn London bị lụt do triều cường và nước dâng do bão từ Biển Bắc. Nó được xây dựng với chi phí hai tỷ USD và đi vào hoạt động từ năm 1982.
Cách hoạt động của Thames Barrier. Đồ họa: BBC.
Thames Barrier gồm những chiếc cổng thép nặng 3 nghìn tấn, cao 20 m có thể xoay được. Khi thủy triều lên, cổng thép sẽ bị đóng để ngăn dòng nước chảy về London. Còn khi thủy triều xuống, cổng được mở để khôi phục dòng chảy của sông về phía biển. Mất 90 phút để hệ thống cổng này đóng hoàn toàn.
“Lời khuyên dành cho các thành phố đang đối mặt với nguy cơ lũ lụt do mưa hoặc bão là: Đừng đợi cho đến khi thảm họa lũ tiếp theo xảy ra thì mới có cái nhìn thực sự nghiêm túc về tình hình hiện tại và tính đến hệ thống bảo vệ”, Chris Zevenbergen, giáo sư về khả năng chống lũ của các hệ thống đô thị tại Viện Ihe Delft cho lời khuyên.
Mai Dung (t/h)