Bình Chánh (Tp. Hồ Chí Minh): Cần xử lý dứt điểm Doanh nghiệp giặt sấy vải Thuận An hoạt động gây ô nhiễm, không giấy phép môi trường
DNTN giặt sấy vải Thuận An tại đường Liên ấp 123, Ấp 12, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh thường xuyên xả khói thải có màu đen, khói bụi, bốc mùi hôi nồng nặc gây nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Được biết, ngoài việc xả khí thải, doanh nghiệp này còn hoạt động nhiều năm không có giấy phép môi trường. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm, người dân đã nhiều lần có ý kiến tới chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để.
Hoạt động xả thải gây ô nhiễm, không giấy phép môi trường
Theo người dân sinh sống tại đường Liên ấp 123, ấp 12 xã Vĩnh Lộc B từ khi các xưởng nhuộm ông Hà, ông Thành đi vào hoạt động, họ thường xuyên phải sống trong bầu không khí ô nhiễm bởi khói đen, mùi khét từ các ống khói xả thải không qua xử lý ra môi trường. Để tránh phải khói bụi, người dân thường xuyên phải đóng kín cửa nhưng không tránh được mùi khói khét, sáng quét nhà đến trưa đã dơ bẩn bụi bông, khói bụi khiến người dân hết sức bức xúc về tình trạng này.
Người dân kinh doanh ăn uống tại đường Liên ấp 123 bức xúc chỉ tay về hướng ống khói các xưởng nhuộm ngày đêm xả khí thải màu đen kịt, mùi hôi, khói bụi ra môi trường khiến kinh doanh ế ẩm khách hàng giảm sút, nguyên nhân được người dân cho biết là do xưởng nhuộm, wash của ông Hà, ông Thành thuê đất của vợ chồng ông Bảo, ngày đêm hoạt động xả khói đen xì, mùi hôi khét lẹt ra môi trường: “các xưởng giặt nhuộm, wash thuê đất của ông Bảo hoạt động nhiều năm nay rồi, nhà báo nhìn xem, các ống khói đó ngày nào chả xả ra môi trường, khói đen, bụi bay lên mù mịt, mùi khét giống đốt rác bọc nilong, vải vụn. Việc này diễn ra nhiều năm rồi, em kinh doanh bị ảnh hưởng rõ rệt, khách đến ăn uống ngửi mùi khét, khói bụi rồi đi không ăn nữa, đêm vẫn xả. Khói xả ra màu đen xì, đất ông Bảo phía trong rộng lắm 03 xưởng thuê đều là đất nông nghiệp. Mong muốn người dân là các xưởng phải đầu tư xử lý môi trường đỡ xả khói khét ra nhà dân nữa, nếu không khắc phục được ô nhiễm kính mong cấp trên xem xét yêu cầu di dời ra khỏi khu vực để người dân có điều kiện kinh doanh và hít thở không khí trong lành”, một người dân cho biết.
Ghi nhận thực tế tại đây cho thấy, từ đường Liên ấp 123 đi vào phía trong là các xưởng nhuộm, wash hoạt động rất nhộn nhịp. Đứng từ xa và nhiều góc độ chứng kiến các ống khói thiết kế rất thấp đua nhau xả khí thải màu đen ra môi trường, nhà xưởng sập sệ, thiếu đầu tư, tiểm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao, công nhân hoạt động không được trang bị bảo hộ lao động đầy đủ. Trong quá trình đi thực tế chúng tôi bắt gặp công nhân đang xếp những bao vải vụn chuẩn bị cho đốt lò hôi.
Một công nhân cho biết: “các xưởng nhuộm đang sử dụng vải vụn để đốt và nhóm lò, ngoài ra dùng vỏ hoạt điều để làm nguyên liệu vận hành lò hơi, chứ dùng củi giá thành cao lắm”. Cũng tại đây, công nhân làm việc cho biết, mỗi khi hoạt động các ống khói xưởng nhuộm xả ra mùi rất khét, khói đem và bụi, em làm đây được 2 tháng mà chịu không nổi. Ngoài ra tro xỉ của lò hơi theo quy định phải được xưởng nhuộm, wash thu gom và kí hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom vận chuyển xử lý theo quy định, nhưng những tro xỉ này được công nhân vận chuyển ra gần đường Liên ấp 123 đổ thải để đơn vị vệ sinh môi trường hằng ngày vận chuyển đi.
Để có thông tin đa chiều và tìm hiểu việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, đất đai, PCCC đối với doanh nghiệp tư nhân giặt sấy vải Thuận An, Toà soạn Môi trường và Cuộc sống đã gửi Giấy giới thiệu, nội dung làm việc tới doanh nghiệp và đại diện doanh nghiệp đã tiếp nhận nội dung, khi phóng viên liên hệ làm việc với ông Thành – xưng danh giám đốc doanh nghiệp nhưng vị này không hợp tác làm việc, cung cấp thông tin cho báo chí và cho biết hiện nay không làm nữa mà đã chuyển cho mấy anh em vào làm nhuộm, wash.
Cần đình chỉ hoạt động và di dời ra khỏi khu dân cư
Nhằm làm rõ thông tin các xưởng nhuộm, wash tại đường Liên ấp 123, ấp 12 hoạt động gây ô nhiễm và công tác quản lý nhà nước về môi trường, đất đai, tài nguyên nước, PCCC của UBND xã Vĩnh Lộc B, thông tin tới Tòa soạn Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – moitruong.net.vn, UBND xã Vĩnh Lộc B đã thông tin không đúng nội dung 08 câu hỏi và cũng không cung cấp hồ sơ liên quan về xử lý đối với Doanh nghiệp tư nhân giặt sấy vải Thuận An cho báo chí. Tại văn bản 3607/UBND ngày 27 tháng 9 năm 2024 do ông Nguyễn Văn Nhạo – Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B gửi Tòa soạn cho biết: “Căn cứ bản đăng ký nội dung làm việc của Tạp chí, UBND xã đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường Huyện, đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy Huyện và các tổ chuyên môn có liên quan tiến hành kiểm tra liên ngành đối với doanh nghiệp theo phản ánh, kết quả:
Doanh nghiệp tư nhân giặt sấy vải Thuận An hoạt động tại địa chỉ: A5/19/3, ấp 12, xã Vĩnh Lộc B, hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0315448162, đăng ký lần đầu ngày 24 tháng 12 năm 2018 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp, ngành nghề: giặt sấy vải.
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra ghi nhận doanh nghiệp hoạt động chưa có giấy phép môi trường, đoàn kiểm tra đề nghị doanh nghiệp liên hệ cơ quan chức năng để được hướng dẫn cấp giấy phép môi trường, sau ngày 01 tháng 01 năm 2025 sẽ tái kiểm tra và xử lý theo quy định nếu doanh nghiệp chưa chấp hành (quy định tại điểm d, khoản 2 điều 42 Luật Bảo vệ môi trường); bố trí sàn thao tác lấy mẫu khoan 2 lỗ thu mẫu (O9 mm mỗi lỗ vuông góc tại ống khói theo quy định tại thông tư 10/2021/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; trám lấp miệng giếng không sử dụng trong khuôn viên doanh nghiệp thời gian trước ngày 10 tháng 10 năm 2024; bố trí, sắp xếp vật tư, hàng hóa phải cách xa các thiết bị tiêu thụ điện tối thiểu 0,5m và không để dưới bảng điện, cầu dao điện… tiến hành luồn vào ống bảo vệ đối với các thiết bị, đường dây dẫn điện đảm bảo an toàn theo quy định tại TCVN 9208:2012 “lắp đặt cáp và dây dẫn điện trong các công trình công nghiệp”.
Trả lời Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống về phương hướng thực hiện xử lý đối doanh nghiệp tư nhân giặt sấy vải Thuận An, UBND xã Vĩnh Lộc B cho biết: Doanh nghiệp Thuận An thuộc đối tượng kiểm tra theo kế hoạch 140/KH-UBND của UBND huyện Bình Chánh, UBND xã sẽ kiến nghị và phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường Huyện kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về Bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp tư nhân giặt sấy vải Thuận An.
Giám sát quá trình xin cấp giấy phép môi trường của doanh nghiệp và xử lý nếu doanh nghiệp tư nhân giặt sấy vải Thuận An hoạt động mà không có giấy phép môi trường theo quy định; Vận động chủ đất ngưng hợp đồng cho thuê đất, hướng dẫn doanh nghiệp có kế hoạch di dời hoạt động sản xuất ra khỏi khu dân cư theo quy định.
Tiếp tục giám sát tình trạng hoạt động của doanh nghiệp, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về tiếp nhận, đốt, xử lý chất thải rắn công nghiệp không đúng quy định; Kiểm tra, rà soát pháp lý về đất đai, xây dựng đối với doanh nghiệp và lập thủ tục xử lý vi phạm theo quy định.
Kính đề nghị lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương chỉ đạo các Sở, ban ngành, lực lượng chức năng, Huyện ủy, UBND Huyện, Công an huyện Bình Chánh tiến hành kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi vi phạm về môi trường, PCCC, tài nguyên nước, đất đai… đối với Doanh nghiệp tư nhân giặt sấy vải Thuận An đồng thời yêu cầu dừng hoạt động và di dời ra khỏi khu dân cư.
Ngoài ra, cần kiểm điểm trách nhiệm công vụ đối với người đứng đầu là lãnh đạo Cấp ủy, Chính quyền và các cá nhân liên quan của xã Vĩnh Lộc B trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước khi để Doanh nghiệp tư nhân giặt sấy vải Thuận An hoạt động nhiều năm không có giấy phép môi trường, liên tục xả khí thải không qua xử lý ra môi trường ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống người dân sống trên địa bàn khu dân cư.