Bình Định: Công trình đập dâng mang lại ấm no cho dân

Tú Anh (T/h)|01/08/2019 07:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Đó là công trình đập dâng Văn Phong nằm trên địa bàn xã Bình Tường (Tây Sơn), công trình giúp phát huy tối đa hiệu quả của hồ chứa nước Định Bình.

Đập dâng Văn Phong và hệ thống kênh tưới (giai đoạn 1) đã thi công hoàn thành với 17 km kênh chính và 77,3 km kênh cấp 1; đảm bảo cung cấp nước tưới cho 3.800 ha lúa và hoa màu trên địa bàn huyện Tây Sơn, An Nhơn. Đồng thời,chủ động nước tưới canh tác nhiều loại cây trồng giá trị kinh tế cao, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân. Cung cấp nước sinh hoạt cho người và gia súc, góp phần cải tạo cảnh quan, môi trường sinh thái, hạn chế lũ lụt ở phía hạ nguồn sông Côn…

Con đập đang giữ kỷ lục thế giới

Giữa dòng sông Côn một con đập bê tông khổng lồ với thiết kế tựa phím đàn Piano đã hiện lên sừng sững và hoành tráng. Đây là một trong những công trình thủy lợi lớn nhất nước, có ngưỡng tràn hình phím đàn piano.

Dự án Hợp phần khu tưới Văn Phong có tổng vốn đầu tư 1.477 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ do Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư. Bao gồm, đập dâng Văn Phong có vốn đầu tư 598 tỉ đồng, hệ thống kênh tưới Văn Phong 711 tỉ đồng. Chính thức đi vào hoạt động hồi cuối tháng 4/2015, bao gồm đập dâng Văn Phong dài 542 m, hệ thống kênh tưới dài 247 km và hơn 3.350 công trình trên kênh. Đập hoàn thiện như một chiếc cầu nối hai bờ vui.

Đập có ngưỡng tràn hình phím đàn piano.

Con đập mang lại ấm no cho dân

Hồ chứa nước Định Bình có dung tích thiết kế là 226 triệu m3 nước. Thế nhưng khi chưa có đập dâng Văn Phong, hồ Định Bình chỉ tưới được cho 14.000ha đất sản xuất nông nghiệp ở TP Quy Nhơn, TX An Nhơn, huyện Tuy Phước và một phần của huyện Phù Cát. Rất phung phí, bởi sau khi tưới cho số diện tích nói trên, lượng nước còn lại từ hồ Định Bình xả xuống đều trôi tuột ra biển.

Từ khi có đập dâng Văn Phong, con đập này có nhiệm vụ dâng nước từ hồ Định Bình xả xuống thành cột nước cao nên có thêm 14.000ha đất sản xuất nông nghiệp ở những vùng đất khó ở Bình Định được cung cấp nước tưới. Có thể khẳng định đập dâng Văn Phong đã giúp cho hồ Định Bình phát huy tối đa hiệu quả.

Những năm gần đây, mặc dù thời tiết nắng hạn cực đoan nhưng nhờ đập Văn Phong tiếp nước hồ Định Bình cho lưu vực sông La Tinh nên đồng ruộng của 2 huyện Phù Cát và Phù Mỹ nằm trong khu tưới của hồ chứa nước Hội Sơn không bị hạn đe dọa như những năm trước đó.

Nông dân Thái Văn Nhị ở thôn Xuân An, xã Cát Tường (huyện Phù Cát), cho biết trước khi có nước của đập Văn Phong, 6 sào ruộng của gia đình ông thường bị bỏ hoang sau khi làm vụ đông xuân.

“Trước đây, cánh đồng Cải Tạo và đồng Gò Cà chỉ sạ vụ ĐX mà cũng bị hụt nước; đến vụ hè phải bỏ hoang cho bò đứng chứ không làm gì được. Từ khi có kênh Văn Phong, ruộng ở đây được sạ đều hết, nước rất dồi dào và ổn định, nông dân rất phấn khởi. Có nước về, bà con yên tâm sản xuất, tăng năng suất, tăng thu nhập, được ổn định về kinh tế”, ông Nhị bộc bạch.

Không chỉ vậy, cột nước cao của đập dâng Văn Phong đã bổ sung mạch nước ngầm cho những vùng đất thường xuyên bị cạn kiệt nước sinh hoạt vào mùa khô như 2 xã Bình Tân và Bình Thuận (huyện Tây Sơn) và một số vùng đất khó ở 2 huyện Phù Cát và Phù Mỹ. Nhờ đó, cả những năm hạn hán gay gắt, nước giếng ở những vùng đất trên không bị cạn kiệt.

Ông Phan Văn Thạch, nông dân ở thôn Phú Lạc, xã Bình Thành (Tây Sơn), phấn khởi: Lâu nay, bà con chúng tôi luôn ước ao có hệ thống kênh mương để cung cấp nước tưới cho đất sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Bây giờ, khi tận mắt chứng kiến hệ thống kênh tưới, đập dâng, bà con ai cũng vui mừng, hồ hởi. Lâu nay do không có nguồn nước đảm bảo nên người dân địa phương chỉ sản xuất độc canh 1 vụ lúa hoặc hoa màu rồi bỏ hoang. Giờ đây, hệ thống kênh mương được xây dựng kiên cố giúp cho người dân hết nỗi lo bị thiếu nước sản xuất, tổ chức thâm canh, tăng vụ để nâng cao hiệu quả sản xuất. Chắc chắn đời sống của bà con sẽ khấm khá hơn rất nhiều.

Tú Anh (T/h)

Bài liên quan
  • Bình Định: 138 hồ chứa nước bị khô hạn
    Moitruong.net.vn – Nắng nóng kéo dài khiến lượng nước các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bình Định ở dưới mực nước chết, có 165 hồ chứa thì có đến 138 hồ bị cạn nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bình Định: Công trình đập dâng mang lại ấm no cho dân
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.