Theo kế hoạch, trong năm 2021, Bình Định sẽ thả nuôi tôm trên diện tích khoảng 2.107 ha ao, hồ; trong đó, riêng huyện Tuy Phước chiếm đến 1 nửa diện tích nuôi tôm nói trên. Những năm qua, trên địa bàn Bình Định “vắng” những cơn lũ lớn, nên môi trường các vùng nuôi tôm ở đây không được nước lũ rửa trôi đã trở nên ô nhiễm. Đáng quan ngại hơn là hầu hết người nuôi tôm ở Bình Định đều nuôi theo phương thức bán thâm canh, lượng nước thải trong nuôi tôm xả ra môi trường rất lớn, càng làm cho môi trường vùng nước nuôi trở nên ô nhiễm nghiêm trọng hơn.
Người nuôi tôm ở Đông Điền, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước, Bình Định) mua cá rô phi đơn tính về thả vào ao tôm để chúng làm nhiệm vụ dọn vệ sinh đáy hồ. Ảnh: Vũ Đình Thung.
Trước thực tế này, ngành nông nghiệp Bình Định tăng cường công tác tuyên truyền để người nuôi tôm trên địa bàn tuân thủ lịch thời vụ, thả nuôi với mật độ hợp lý, nuôi tôm xen với cá cua các loại và nhất là bảo đảm an toàn vùng nước nuôi để hạn chế dịch bệnh xảy ra trên tôm nuôi.
“Trong nuôi tôm, môi trường vùng nước nuôi là quan trọng nhất. Nhất là trong mấy năm qua trên địa bàn Bình Định không có lũ lớn, nên ô nhiễm qua những vụ nuôi tồn đọng năm này qua năm khác do không được lũ rửa trôi, khiến môi trường vùng nước nuôi ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong khi phương thức nuôi tôm của bà con trên địa bàn hầu hết theo hình thức bán thâm canh, lượng xả thải ra môi trường là rất lớn làm phát sinh dịch bệnh trên tôm nuôi, khiến người nuôi bị thua lỗ. Những năm gần đây, ý thức bảo vệ môi trường vùng nước nuôi của bà con đã được nâng cao, nhờ đó dịch bệnh ít phát sinh trên tôm nuôi. Ví như trong năm 2021, từ đầu năm đến nay mới chỉ có 1,5 ha ao hồ nuôi tôm ở xã Phước Thuận bị bệnh môi trường, các vùng nuôi khác chưa thấy dịch bệnh phát sinh”, ông Phạm Quang Ân, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, chia sẻ.
Cũng theo ông Ân, những năm qua, người nuôi tôm trên địa bàn huyện Tuy Phước nhất nhất tuân thủ lịch thời vụ do Sở NN-PTNT tỉnh ban hành, đây cũng là 1 trong những yếu tố hạn chế dịch bệnh trên tôm nuôi. Thêm vào đó, càng ngày nhiều người nuôi tôm nhận ra thả nuôi với mật độ dày chẳng những đã không mang lại hiệu quả, mà còn làm phát sinh dịch bệnh trên tôm nuôi. Do đó, hiện người nuôi tôm ở đây chỉ thả nuôi với mật độ hợp lý khoảng 30-40 con/m2 theo hướng dẫn của ngành chức năng.
“Đặc biệt, phương thức nuôi tôm theo phương thức quảng canh cải tiến xen với cua, các các loại đã khiến thu nhập của người nuôi bền vững hơn. Trước đây, người nuôi tôm ở huyện Tuy Phước hầu hết chỉ nuôi độc canh 1 con tôm, nên khi dịch bệnh xảy ra là thua “tất tay”, bây giờ nuôi xen canh tôm với cua, cá; phương thức nuôi này chẳng những đã hạn chế được dịch bệnh, nếu như tôm nuôi bị dính dịch bệnh thì người nuôi vẫn còn nguồn thu từ cua, cá, đây là điều kiện để vụ sau đầu tư nuôi tiếp”, ông Ân cho hay.
Tuấn Phong