Bình Định: Nguy cơ cháy lớn tại các khu vực rừng trồng

Hà Linh (T/h)|21/05/2020 06:02
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Theo dự báo cấp cháy rừng đang ở cấp cao trên phạm vi toàn tỉnh Bình Định, phổ biến luân phiên tại các khu vực từ cấp IV (cấp nguy hiểm) đến cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), nhất là các khu vực rừng trồng.

Theo thông tin từ Chi cục Kiểm lâm Bình Định, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, tình trạng nắng nóng, khô hạn đang diễn ra gay gắt, nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn là rất lớn.

Bình Định là tỉnh có diện tích rừng lớn. Theo số liệu thống kê từ Chi cục kiểm lâm tỉnh, hiện nay toàn Bình Định có diện tích rừng là 335.120, 42 ha trong đó rừng tự nhiên 216.196,50 ha, rừng trồng 118.932,23 ha, ngoài ra còn có diện tích rất lớn rừng trồng chưa thành rừng 45.471,65 ha.

Để chủ động ứng phó, ngay từ trung tuần tháng 3/2020, UBND tỉnh đã có văn bản 1519/UBND-KT chỉ đạo về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh. Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương có rừng tổ chức triển khai kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng trên địa bàn quản lý; yêu cầu chủ rừng tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 giờ và kiểm soát chặt chẽ người ra vào tại các khu vực có nguy cơ cao; rà soát, bổ sung các vùng trọng điểm cháy rừng vào Phương án phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2019 – 2023 của đơn vị để chủ động bố trí nguồn lực phù hợp.

Tuy nhiên, qua công tác rà soát, đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao trên địa bàn tỉnh hiện nay là 164.395,57 ha, chủ yếu là rừng trồng.

Thống kê các vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2019 cũng cho thấy, toàn tỉnh đã xảy ra 21 vụ cháy, làm thiệt hại 169,56 ha rừng, chủ yếu là rừng trồng các loại.

Nguy cơ cháy rừng tại các khu vực rừng trồng ở Bình Định

Ông Huỳnh Ngọc Bảo, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm Bình Định nhận định: “Đối với rừng nguyên sinh tự nhiên, chúng tôi có thể yên tâm vì có lực lượng chuyên trách bảo vệ, các biện pháp kiểm tra, kiểm soát và phương án phòng chống cháy rừng đang được thực hiện rất sát sao. Nhưng đối với rừng trồng, nguy cơ xảy ra cháy lớn tại các khu vực này hiện nay rất cao.”

Ông Bảo cho biết, tại các khu vực rừng trồng trên địạ bàn tỉnh, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt có sử dụng lửa của người dân diễn ra thường xuyên trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài. Một số người dân chủ quan, thiếu ý thức, tự ý đốt rác, đốt thực bì, đun nấu không đúng quy định là nguyên nhân chủ yếu gây ra cháy rừng trong thời gian qua. Điển hình là 2 vụ cháy rừng ngày 10/7/2019 tại huyện Tây Sơn và ngày 25/8/2019 tại huyện Phù Mỹ làm thiệt hại tổng cộng trên 91,39 ha rừng.

Cùng với đó, còn có những nguyên nhân khác như địa hình rừng núi hiểm trở, xa nguồn nước, đường giao thông và khu đông dân cư nên việc đưa lực lượng, phương tiện và lấy nước vào vị trí chữa cháy cũng bị hạn chế; diện tích rừng trồng hiện nay rất lớn và thuộc sở hữu của nhiều chủ rừng khác nhau cùng đan xen giáp ranh trong khu vực nhưng ý thức tương hỗ trong việc thực hiện canh trực phòng cháy, phát hiện sớm cháy rừng chưa tốt; việc chỉ đạo huy động lực lượng tại chỗ gồm dân phòng, dân quân và người dân địa phương phối hợp với lực lượng chuyên trách triển khai lực lượng chữa cháy của chính quyền cơ sở tại một số địa phương còn bị động, lúng túng nên khó khống chế được ngọn lửa ngay từ đầu dẫn đến cháy rừng phát tán trên diện rộng gây khó khăn cho chữa cháy rừng.

Việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong chữa cháy rừng tại một số cơ sở chưa tốt, nhận định thiếu chính xác, điều động lực lượng chữa cháy chậm, thiếu tính cấp bách. Người dân chưa tích cực tham gia chữa cháy rừng do chế độ, chính sách cho người tham gia chữa cháy chưa thỏa đáng, họ coi đó là nhiệm vụ của chủ rừng, Hạt Kiểm lâm, lực lượng công an, quân đội và chính quyền địa phương.

Cảnh sát PCCC và CNCH chữa cháy rừng tại khu vực núi Vũng Chua

Hiện nguồn kinh phí phục vụ công tác còn hạn hẹp nên dụng cụ, trang thiết bị cho lực lượng tại chỗ thiếu và đa số là dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng, bình bơm nước, máy thổi gió cỡ nhỏ, hiệu quả chữa cháy không cao. Một số chủ rừng, cá nhân còn thiếu sự đầu tư cần thiết cho công tác phòng chống cháy rừng. Cấp ủy một số địa phương cấp xã chưa thực sự vào cuộc quyết liệt để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, coi đó là nhiệm vụ của chủ rừng, Hạt Kiểm lâm và lực lượng công an, quân đội.

Nhiệm vụ phòng chống cháy rừng tại Bình Định hiện nay đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan chức năng và cấp ủy, chính quyền, người dân tại các địa phương. Theo ông Huỳnh Ngọc Bảo, các địa phương cần thực hiện ngay một số biện pháp cấp bách như nâng cao cảnh giác trong kiểm tra, giám sát, tăng cường công tác canh trực phòng cháy của lực lượng chức năng ở cơ sở, phát hiện sớm và xử lý kịp thời điểm cháy tại các vùng trọng điểm. Tiếp tục tuyên truyền vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, hạn chế sử dụng lửa và sử dụng lửa đúng quy định trong sản xuất, sinh hoạt tại các khu vực rừng trồng.

Song song với đó, cần thực hiện nghiêm phương án phòng cháy, chữa cháy rừng đã được phê duyệt. Từng bước đề nghị cấp có thẩm quyền trang bị phương tiện, trang thiết bị tương xứng với tình hình thực tế tại địa phương để công tác phòng cháy, chữa cháy rừng của tỉnh trong thời gian tới đạt kết quả tốt.

Hà Linh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bình Định: Nguy cơ cháy lớn tại các khu vực rừng trồng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.