Biến đổi khí hậu

Bình Phước: Mưa lớn gây ngập cục bộ, nước suối dâng cao

Tùng Dương 17:15 09/10/2024

Mưa lớn trên diện rộng vào chiều tối ngày 08/10, đã khiến nhiều tuyến đường trong nội ô thành phố Đồng Xoài (Bình Phước) ngập sâu và nước suối Rạt liên tục dâng cao.

Vào chiều tối qua (08/10), tại thành phố Đồng Xoài (Bình Phước) đã xuất hiện một trận mưa lớn trên diện rộng, khiến nhiều tuyến đường trong nội ô ngập sâu. Khoảng 9 giờ sáng nay, nước bắt đầu tràn bờ suối ở khu vực cầu 2, làm ngập một số diện tích hoa màu của người dân. Vị trí gần Trường Mầm non Hướng Dương, thuộc khu phố 3, phường Tân Đồng, nước dâng lên hơn 2m so với mực nước trung bình của dòng chảy bình thường.

Chính quyền địa phương đã huy động hơn 30 cán bộ, dân quân thường trực chia thành nhiều nhóm để hỗ trợ di dời người già, trẻ nhỏ và vật dụng, phương tiện đến nơi an toàn.

binh-phuoc-2(1).jpg
Nước dâng cao tràn bờ tại khu vực cầu 2, phường Tân Đồng, TP. Đồng Xoài

Do lượng mưa tối ngày 08/10 quá lớn, nước ở các khu vực lân cận dồn về suối Rạt, khiến nước dâng cao gây ngập lụt cục bộ. Nước dâng cao làm ngập sâu khoảng 20 ha cây công nghiệp lâu năm và hoa màu, hơn 20 nhà dân sống ở khu vực gần suối Rạt bị ảnh hưởng, trong đó có nhà ở vùng trũng thấp đã ngập sâu gần 1m. Do được di dời kịp thời nên hiện ở phường Tân Đồng không gây thiệt hại về người và tài sản.

Hàng năm, các khu phố 4, 3 và 1 của phường Tân Đồng là 3 địa điểm thường xảy ra ngập khi có mưa lớn kéo dài hoặc ở thượng nguồn xả đập. Đây là lần thứ hai nước dâng cao trong năm 2024. Các lực lượng chức năng vẫn đang túc trực tại các điểm đang và có nguy cơ ngập để kịp thời ứng phó, hỗ trợ nhân dân khi có tình huống xấu xảy ra.

Những vùng bị ngập lụt, môi trường thường bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Nguồn gây ô nhiễm chủ yếu do phân, rác, nước thải, bãi thu gom, tập kết xử lý chất thải rắn, kho chứa hóa chất, kho chứa thuốc bảo vệ thực vật... bị cuốn chung vào nguồn nước.

Các công trình xử lý nước thải, hệ thống thoát nước thải bị phá hủy làm cho phân, rác, nước thải tồn đọng từ các nhà vệ sinh, hệ thống cống rãnh, chuồng trại chăn nuôi tràn trực tiếp ra môi trường. Cây cối, hoa màu bị chết vì bị ngâm trong nước lâu ngày làm phát sinh dịch bệnh cho người và gia súc gia cầm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Video
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bình Phước: Mưa lớn gây ngập cục bộ, nước suối dâng cao
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.