Pháp luật môi trường

Bình Thuận: Bắt quả tang cơ sở tái chế gần 20.000 lít dầu nhớt các loại

Minh An 28/08/2024 12:30

Dầu, thớt thải là chất thải nguy hại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại đến môi trường. Hành vi tái chế nhớt thải khi không có giấy phép là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính, xử lý hình sự tùy theo tính chất và mức độ vi phạm.

Ngày 26/8, Công an huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận cho biết vừa bắt quả tang cơ sở tái chế nhớt thải trái phép trên địa bàn với hàng chục ngàn lít dầu nhớt các loại.

Theo đó, khoảng 11 giờ ngày 24/8, hàng chục cảnh sát Công an huyện Hàm Thuận Bắc kiểm tra tại khu vực đất trống thuộc thôn 2, xã Hàm Liêm thì phát hiện ông TMĐ (42 tuổi) trú phường Tân An, thị xã La Gi cùng 3 người làm công đang tái chế nhớt thải trái phép ở hai khu xưởng.

tai-che-nhot-thai-1-.jpg
Các thùng chứa nhớt thải.

Qua kiểm tra, Công an huyện Hàm Thuận Bắc đã thu giữ gần 20.000 lít nhớt thải, trong đó 11.000 lít dầu nhớt vừa được tái chế xong ở xưởng 1 và 500 lít nhớt thải, 7.500 lít nhớt thành phẩm ở xưởng 2.

Để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, khu vực tái chế nhớt thải do ông T.M.Đ làm chủ được dựng lên ở khu vực đất trống nằm sát bìa rừng, xa khu dân cư.

Hai xưởng tái chế nhớt đặt cách nhau 200m và xung quanh nhà xưởng được dựng tôn đắp đất làm vòng thành che chắn.

Theo lời khai của ông Đ, trước đây chỉ có một xưởng, tuy nhiên qua quá trình tái chế nhớt, nhận thấy lợi nhuận thu lại từ hoạt động trên tương đối lớn nên đã dựng thêm một xưởng để sản xuất tái chế nhớt thải.

Số nhớt thải được thu gom, mua lại từ các garage ô tô, trung tâm bảo dưỡng với giá khoảng 5.000 đồng/lít, sau khi sử dụng các hóa chất đưa vào máy móc để tái chế lại trở thành nhớt sạch được bán ra thị trường với giá 12.000 đồng/lít và mỗi lần tái chế thu lại được hơn 10.000 lít nhớt thành phẩm.

Hành vi vi phạm pháp luật về việc xử lý chất thải nguy hại và có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 5 Điều 23 Nghị định 155/2016/NĐ-CP và Điểm đ khoản 21 Điều 1 Nghị định 55/2021/NĐ-CP.

Cụ thể, phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi:
- Sử dụng phương tiện, thiết bị chuyên dụng xử lý chất thải nguy hại không có trong giấy phép xử lý chất thải nguy hại.

- Xử lý chất thải nguy hại ngoài danh mục chất thải nguy hại trong giấy phép xử lý chất thải nguy hại.

- Xử lý chất thải nguy hại được thu gom ngoài địa bàn quy định trong giấy phép xử lý chất thải nguy hại.
- Xử lý chất thải nguy hại vượt quá công suất xử lý một trong các nhóm chất thải nguy hại quy định trong giấy phép xử lý chất thải nguy hại hoặc trong văn bản chấp thuận vận hành thử nghiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Xử lý chất thải nguy hại khi không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại theo quy định.
Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân, nếu tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì phạt gấp đôi (theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 155/2016/NĐ-CP).

Ngoài phạt tiền, còn có thể bị đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 06 tháng đến 12 tháng (theo Điểm c Khoản 9 Điều 23 Nghị định 155/2016/NĐ-CP), đồng thời, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

- Buộc chuyển giao chất thải nguy hại cho đơn vị có chức năng xử lý đối với trường hợp vi phạm quy định tại Điểm đ Khoản 5 và Khoản 6 Điều 23 Nghị định 155/2016/NĐ-CP.
- Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều 23 Nghị định 155/2016/NĐ-CP.

- Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều 23 Nghị định 155/2016/NĐ-CP gây ra (theo Điều 10 Nghị định 155/2016/NĐ-CP và Điểm k Khoản 21 Điều 1 Nghị định 55/2021/NĐ-CP).

Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Mục 2 Chương II Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020, có thể xem xét xử phạt về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả lên đến 100 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm; áp dụng hình thức xử phạt bổ sung khác và biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4, Điều 10 Mục 2 Chương II Nghị định 98/2020/NĐ-CP.

Về hình sự, Điều 192 Mục 1 Chương XVIII Bộ luật hình sự 2015 (số: 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi bổ sung 2017 nêu rõ quy định mức phạt tối đa lên đến 15 năm tù.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Dầu, thớt thải là chất thải nguy hại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại đến môi trường. Hành vi tái chế nhớt thải trái phép làm gia tăng xảy ra hỏa hoạn, nguy hiểm hơn là đe dọa đến sức khỏe con người. Tuy vậy, vì lợi nhuận, một số đối tượng đã bất chấp, cố tình thực hiện các hành vi phạm pháp. Vì vậy, việc thu gom dầu nhớt thải hiện giờ không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là việc mà cả người dân và doanh nghiệp phải cùng tham gia, vì lợi ích cho môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe con người.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bình Thuận: Bắt quả tang cơ sở tái chế gần 20.000 lít dầu nhớt các loại
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.