Bình Thuận: Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ hoạt động khai thác khoáng sản

Trọng Huy|01/04/2022 03:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ttại một số khu vực khai thác khoáng sản của tỉnh Bình Thuận có dấu hiệu tác động xấu tới môi trường xung quanh, biến dạng cảnh quan khiến người dân lo lắng.

Bình Thuận có nhiều tích tụ khoáng sản đa dạng về chủng loại: vàng, wolfram, chì, kẽm, nước khoáng và các phi khoáng khác. Trong đó, có giá trị thương mại và công nghiệp là nước khoáng, sét, đá xây dựng.

Nước khoáng: có nhiều điểm nước khoáng như Vĩnh Hảo (huyện Tuy Phong), Đa Kai (huyện Đức Linh), Đồng Kho (huyện Tánh Linh) Văn Lâm, Hàm Cường, Tà kóu (huyện Hàm Thuận Nam), Phong Điền (huyện Hàm Tân). Riêng 4 điểm Vĩnh Hảo, Văn Lâm, Hàm Cường, Đa Kai là loại nước khoáng thuộc loại cacbonat – natri được dùng làm nước giải khát, khả năng khai thác khoảng 300 triệu lít/năm. Nước khoáng khu vực Tuy Phong có đủ điều kiện để sản xuất tảo với sản lượng lớn.

Trữ lượng sa khoáng Ilmenit 1,08 triệu tấn, Zicon 193 nghìn tấn, đi cùng với Zicon còn có nhiều Monazit và đất hiếm. Hàm lượng TiO2 43- 45%, hàm lượng ZrO2 48, 6 – 59, 5%.

Sa khoáng Ilmenit – Zicon phân bố ở mũi Kê Gà (huyện Hàm Thuận Nam), mũi Né (TP. Phan Thiết), Tân Thiện (huyện Hàm Tân), Thiện ái (huyện Bắc Bình). Nguồn khoáng sản lớn nhất của Bình Thuận là cát trắng thủy tinh với tổng trữ lượng 496 triệu m3 cấp P2, hàm lượng SiO2 97- 99%. Phân bố ở Dinh Thầy, Tân An, Tân Thắng (huyện Hàm Tân), Cây Táo, Long Thịnh, Hồng Sơn (huyện Hàm Thuận Nam), Nhơn Thành, Phan Rí và Phan Rí Thành (huyện Bắc Bình). Có thể thoả mãn yêu cầu sản xuất thủy tinh cao cấp và kính dân dụng hoặc xuất khẩu nguyên liệu.

Khoáng vật liệu xây dựng có cát kết vôi 3,9 triệu m3 cấp P2 phân bố ở Vĩnh Hảo và Phước Thể (huyện Tuy Phong), đá vôi san hô (huyện Tuy Phong). Sét gạch ngói phân bố ở nhiều nơi (Hàm Thuận Nam, Đức linh, Tánh Linh, Bắc Bình). Đá xây dựng và trang trí ở Tà Kóu (Hàm Thuận Nam) trữ lượng 45 triệu m3, Núi Nhọn (huyện Hàm Tân) trữ lượng cấp P là 30 triệu m3.

Một điểm khai thác đá trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận

Thời gian qua, ngành công nghip khai thác của tỉnh Bình Thuận đã phát triển nhanh chóng và đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn những lo ngại về việc tận dung khai thác tài nguyên khoáng sản mà không theo quy trình khoa học, quy định quản lý pháp luật nhà nước đãn tới nhiều hệ luỵ.

Trong đó, hậu quả nghiêm trọng nhất là làm mất đất, mất rừng, ô nhiễm nước, ô nhiễm bụi, khí độc, lãng phí tài nguyên. Quá trình vận chuyển, chế biến khoáng sản gây ô nhiễm bụi, khí, nước và chất thải rắn. Đồng thời, sử dụng khoáng sản sẽ gây ra ô nhiễm không khí (SO2, bụi, khí độc…) và ô nhiễm nguồn nước.

Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thời gian qua xuất hiện nhiều điểm khai thác trái phép. Trước tình trạng này, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh và các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương kiểm tra các vị trí khai thác khoáng sản trái phép tại các địa phương và báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo xử lý từng trường hợp cụ thể.

Theo Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận, trong năm 2021, Bình Thuận đã xử phạt các vụ khai thác khoáng sản trái phép với số tiền 5,66 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là khai thác cát trái phép tại khu vực lòng hồ Biển Lạc xã Gia An, huyện Tánh Linh; khai thác đất cát bồi nền trái phép khu vực núi Đất giáp ranh giữa xã Sơn Mỹ và xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân; Khai thác vật liệu trái phép thi công cao tốc Bắc – Nam…

Bà Phan Thị Xuân Thu – Phó Giám đốc Sở TN&MT Bình Thuận cho hay, để góp phần ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã, huyện phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, phát huy vai trò cơ sở, nhất là cấp xã trong quản lý khoáng sản; kiểm tra, kiểm soát, xử lý tình trạng khai thác, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường trái phép.

“Nếu trên địa bàn nào trong tỉnh Bình Thuận mà để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu và điều chuyển, bố trí công tác khác”, bà Thu nói.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận – ông Phan Văn Đăng, cũng yêu cầu Sở TN&MT tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp quyết liệt, đồng bộ xử lý dứt điểm tình trạng khai thác trái phép.

Trong số đó tập trung xử lý tại các điểm đã được lực lượng chức năng của tỉnh kiểm tra, xử lý, không để tái diễn. Sở TN&NT đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác khoáng sản thông thường để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội.

Các huyện, thị xã thành phố thực hiện có hiệu quả việc bảo vệ, quản lý nguồn khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn. Nếu trên địa bàn nào để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra nghiêm trọng, kéo dài, có cán bộ dưới quyền tiêu cực thì phải tổ chức kiểm điểm người đứng đầu theo quy định.

Các địa phương xem xét xử lý hình sự các trường hợp manh động, vi phạm nhiều lần để tăng tính răn đe; rà soát và nắm cụ thể các khu vực, “điểm nóng” trên địa bàn, nhất là các vị trí khai thác, tập kết vật liệu xây dựng trái phép. Trên cơ sở đó, các địa phương lập danh sách các đối tượng và mở đợt cao điểm đấu tranh, xử lý, xóa bỏ “điểm nóng.”

Trọng Huy

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Thuận: Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ hoạt động khai thác khoáng sản