Bình Thuận tập trung thực hiện các giải pháp bảo vệ tài nguyên nước

Vũ Thành|04/11/2022 11:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tính đến tháng 10/2022, toàn tỉnh Bình Thuận có 54 công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước được UBND tỉnh cấp phép cho các tổ chức, cá nhân để sử dụng cấp nước tập trung với tổng lưu lượng khai thác lớn nhất khoảng 81.000 m3/ngày đêm.

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên & Môi trường (TN & MT) tỉnh Bình Thuận, trên địa bàn tỉnh, tài nguyên nước chủ yếu dựa vào nước mặt của 7 lưu vực sông chính (Lòng Sông, Lũy, Cái, Cà Ty, Phan, Dinh, La Ngà), tập trung nhiều ở lưu vực sông Lũy, La Ngà. Tổng chiều dài các sông chính, phụ trên địa bàn tỉnh khoảng 1.977 km. Trong khi đó, lượng nước phân bố không đều theo không gian và thời gian. Mùa khô kéo dài 6-7 tháng với lượng mưa chỉ chiếm 10-15%, mùa mưa có 5-6 tháng nhưng lượng nước chiếm tới 85-90% tổng lượng mưa. Sự phân bố bất lợi này thường xuyên gây ra hạn hán khắc nghiệt trong mùa khô và lũ lụt ngập úng vào mùa mưa.

Cùng với đó, những năm gần đây, hiện tượng thời tiết cực đoan diễn biến ngày càng bất thường, nền nhiệt độ không khí có xu hướng tăng, xu thế biến đổi lượng mưa giảm trong các tháng mùa khô, tăng lên các tháng mùa mưa, khiến thiên tai hạn hán và lũ lụt ngày càng khắc nghiệt hơn. Những tháng mùa khô nguồn nước bị thiếu hụt trầm trọng bởi tình trạng hạn hán. Nguồn nước ngầm ít, bị nhiễm mặn, phèn, chỉ đáp ứng một phần nhỏ cho sinh hoạt, sản xuất.

tai-nguyen-nuoc.jpg
Ảnh minh họa

Trong khi đó, hàng năm, Sở TN & MT đều kiểm tra yêu cầu các chủ công trình thực hiện việc giám sát mực nước, lưu lượng, chất lượng nước tại công trình khai thác, tổng hợp kết quả quan trắc, báo cáo về sở theo dõi. Sở TN & MT đang triển khai công tác giám sát tự động, trực tuyến cho các công trình khai thác, sử dụng nước để kết nối vào hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước để quản lý. Sở TN & MT cũng yêu cầu các chủ công trình phải có các giải pháp bảo vệ nguồn nước tại khu vực khai thác; dự phòng các giải pháp xử lý nếu sự cố xảy ra. Ngành phối hợp Cục Thuế tỉnh rà soát việc thực hiện nghĩa vụ tài chính tài nguyên nước (thuế tài nguyên, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước).

Hiện tại, Sở TN & MT Bình Thuận đã triển khai Dự án “Lập, quản lý vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”. Dự án được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1354/QĐ-UBND ngày 13/6/2022. Kết quả thực hiện dự án xác định cụ thể phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt đối với các công trình khai thác nước mặt (cự ly về phía thượng lưu, hạ lưu các công trình khai thác nước từ sông suối hoặc diện tích lòng hồ các công trình khai thác nước từ hồ). Đối với công trình khai thác nước dưới đất xác định phạm vi xung quanh tính từ miệng giếng khoan, giếng đào.

Qua việc xác định hành lang khu vực lấy nước sinh hoạt, Sở TN & MT yêu cầu các chủ công trình bảo vệ nguồn nước do mình trực tiếp khai thác, sử dụng; theo dõi, giám sát các hoạt động trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình. Trường hợp phát hiện hành vi gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm, không bảo đảm an toàn cho việc khai thác nước của công trình và các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước khác trong phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình khai thác, phải kịp thời ngăn chặn, đồng thời báo cáo ngay đến chính quyền địa phương xử lý. “Công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh được thực hiện chặt chẽ. Các chủ công trình đều nắm bắt quy định pháp luật về tài nguyên nước, thực hiện quy định giấy phép. Công tác kiểm tra, giám sát Sở TN & MT triển khai thường xuyên. Các công trình khai thác được xây dựng vùng bảo vệ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, cơ sở bảo vệ nguồn nước khu vực khai thác”, ông Đỗ Văn Thái cho hay.

Trong khuôn khổ “Diễn đàn các tổ chức chính trị, xã hội tham gia bảo vệ nguồn nước, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn khu vực miền Trung, Tây nguyên” vừa diễn ra tại TP. Phan Thiết, Sở TN & MT đề xuất một số giải pháp quản lý khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước tại các công trình cấp nước tập trung. Sở tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành các công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước để cấp nước nhưng chưa có giấy phép tài nguyên nước nghiêm túc chấp hành việc lập hồ sơ đề nghị cấp phép theo quy định nhằm đảm bảo việc kiểm soát hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn nước, chất lượng nước, tăng thu ngân sách qua việc thực hiện nghĩa vụ tài chính tài nguyên nước (tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, thuế tài nguyên). Các huyện, thị nghiêm cấm hoạt động xây dựng, sản xuất, khai thác tài nguyên, nuôi trồng thủy sản, xả nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi, rác thải, xác động vật, tắm giặt trên các sông, suối, kênh, hồ là nguồn nước đầu vào của các nhà máy nước cấp sinh hoạt, đảm bảo vệ sinh, chất lượng nguồn nước. Đối với khu vực lấy nước mặt phải có biển báo giới hạn khu vực bảo vệ nguồn nước, bộ phận chắn rác tại vị trí lấy nước; khu vực khai thác nước dưới đất phải có hàng rào bảo vệ xung quanh các giếng, hạn chế xả thải theo hình thức thấm đất vào khu vực bảo hộ các giếng khai thác.

Việc quy hoạch xây dựng các nhà máy nước ở gần các nguồn nước thô (hồ chứa, sông, suối), tạo thuận tiện lấy nguồn nước thô phục vụ sản xuất nước sinh hoạt, thuận tiện quản lý, bảo vệ vệ sinh nguồn nước. Nhà máy xa nguồn nước thô cần xây dựng các tuyến ống kín cấp nước thô độc lập, tách biệt với hệ thống kênh dẫn phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngoài ra các công trình lấy nước từ kênh hở, cần phải bê tông hóa các kênh này bằng cách hàng năm đầu tư kiên cố các tuyến kênh chính, ưu tiên nâng cấp, kiên cố tuyến kênh dẫn nước phục vụ sinh hoạt, tăng cường công tác bảo trì hệ thống, hạn chế tối đa thất thoát nguồn nước. Ngành chức năng lập hành lang bảo vệ nguồn nước tại các hồ chứa, sông suối, gắn camera ở các công trình hồ chứa nước bảo vệ an ninh an toàn hồ chứa và nguồn nước. Chính quyền địa phương tuyên truyền vận động người dân không xâm phạm hành lang bảo vệ công trình, nguồn nước phục vụ sinh hoạt; xử phạt hành vi xâm hại công trình theo quy định pháp luật.

Bài liên quan
  • Bình Thuận: Bảo vệ, giữ rừng ngập mặn giữa lòng TP Phan Thiết
    UBND tỉnh Bình Thuận thống nhất phương án hủy dự án xây khu đô thị trong quy hoạch công viên Hùng Vương để giữ lại khu rừng sinh thái ngập mặn, đáp ứng được mục tiêu lưu giữ cảnh quan tự nhiên, hướng đến bảo vệ và phát triển giá trị xanh cho thành phố Phan Thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bình Thuận tập trung thực hiện các giải pháp bảo vệ tài nguyên nước
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.