Theo đó, trước diễn biến nguy cơ mùa khô kéo dài dẫn đến hạn hán cục bộ, thời gian qua, UBND Bình Thuận đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan kiểm tra, giám sát và yêu cầu các chủ công trình thực hiện việc giám sát mực nước, lưu lượng, chất lượng nước tại công trình khai thác nguồn nước mặt và nước dưới đất, bảo vệ nguồn nước sử dụng.
Đồng thời, tăng cường giám sát các hoạt động trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình, trường hợp phát hiện hành vi gây ô nhiễm, có nguy cơ gây ô nhiễm, không bảo đảm an toàn cho việc khai thác nước và các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước khác trong phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước, phải ngăn chặn xử lý kịp thời.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận - ông Trần Nguyên Lộc cho biết, để quản lý việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước tại các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh, Sở đã cấm các hoạt động xây dựng, sản xuất, xả nước thải sinh hoạt, rác thải… nhằm đảm bảo vệ sinh và chất lượng nguồn nước.
Đối với khu vực lấy nước mặt phải có biển báo giới hạn khu vực bảo vệ nguồn nước và bộ phận chắn rác tại vị trí lấy nước, đối với khu vực khai thác nước dưới đất phải có hàng rào bảo vệ các giếng và hạn chế xả thải theo hình thức thấm đất vào khu vực bảo hộ của các giếng khai thác.
Sở yêu cầu các nhà máy xa nguồn nước thô là hồ chứa, sông suối, kênh… cần xây dựng các tuyến ống kín cấp nước thô độc lập, tách biệt với hệ thống kênh dẫn phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngoài ra đối với các công trình lấy nước từ kênh hở, ưu tiên đầu tư nâng cấp, kiên cố các tuyến kênh dẫn nước phục vụ sinh hoạt, tăng cường công tác bảo trì hệ thống, hạn chế tối đa việc thất thoát nguồn nước.
Bên cạnh đó, triển khai kế hoạch lập hành lang bảo vệ nguồn nước tại các hồ chứa, sông suối… tiến hành gắn camera ở các công trình hồ chứa nước để vừa bảo vệ an ninh an toàn hồ chứa, vừa bảo vệ nguồn nước. Phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền vận động người dân không xâm phạm hành lang bảo vệ công trình, không xâm phạm nguồn nước phục vụ sinh hoạt. Ngăn chặn và xử phạt các hành vi xâm hại công trình theo quy định của pháp luật.
Về giải pháp lâu dài trong mùa khô hạn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận - ông Nguyễn Hữu Phước đưa ra nhận định, cần phải xây dựng các hồ chứa nước. Theo quy hoạch, Bình Thuận sẽ có hai hồ chứa nước lớn là hồ Ka Pét với trên 51 triệu m3 đã được Quốc hội thông qua và hồ La Ngà 3 với dung tích thiết kế trên 400 triệu m3.
Ông Phước cũng cho biết thêm, đối với nước sinh hoạt, vừa qua, lãnh đạo tỉnh cũng có chủ trương triển khai thực hiện nâng cấp 15 hệ thống công trình nước sạch để dẫn nước sinh hoạt cho dân. Đối với vùng khô hạn, tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương đưa nước đến cho người dân để đảm bảo có nước sinh hoạt.
Tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận phần lớn tập trung vào 7 lưu vực sông chính gồm: Lòng Sông, sông Lũy, sông Cái, sông Cà Ty, sông Phan, sông Dinh và La Ngà, trong đó tập trung nhiều ở lưu vực sông Lũy và La Ngà. Tổng chiều dài các sông chính và phụ trên địa bàn dài khoảng 1.977km.
Do lượng nước phân bố tự nhiên không đều đã dẫn đến hạn hán vào mùa khô và ngập úng vào mùa mưa. Ngoài ra, những năm gần đây, hiện tượng thời tiết nắng nóng diễn biến thất thường, nhiệt độ không khí có xu hướng tăng, lượng mưa giảm trong các tháng mùa khô và tăng trong các tháng mùa mưa khiến lũ lụt và hạn hán ngày càng rõ rệt.