Bổ sung nước giải khát có đường vào danh sách đối tượng chịu thuế

Mai Hạ|09/08/2024 19:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt trong đó bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam vào đối tượng chịu thuế suất 10%.

Ngày 08/8 tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Bia-Rượu-NGK Việt Nam (VBA) tổ chức hội thảo “Dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi) và ngành đồ uống”.

9-do-uong.jpg
Hội thảo được tổ chức với mục tiêu tiếp tục ghi nhận và phản ánh các ý kiến đa chiều từ các chuyên gia, các đối tượng chịu tác động trực tiếp, gián tiếp, v.v nhằm đóng góp hoàn thiện dự thảo Luật

Dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi) đang được Bộ Tài Chính chủ trì soạn thảo và đang lấy ý kiến rộng rãi với nhiều sửa đổi quan trọng. Đối với ngành đồ uống, các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ là đối tượng chịu tác động trực tiếp của đề xuất điều chỉnh của luật, với để xuất tăng thuế suất theo lộ trình tăng liên tục hàng năm đến năm 2030 đối với mặt hàng rượu, bia và bổ sung mặt hàng nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Tại hội thảo, đại diện Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam đánh giá, ngành đồ uống (bia, rượu, nước giải khát) là ngành kinh tế-kỹ thuật quan trọng bên cạnh giá trị về lịch sử, văn hóa, truyền thống lâu đời, đồ uống đã tồn tại song hành với đời sống của người dân Việt Nam từ nhiều năm.

Thực hiện Nghị quyết số 129/2024/QH15 của Quốc hội, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, vào tháng 10/2024 và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, tháng 5/2025.

Trong đó, ngành đồ uống, các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ là đối tượng chịu tác động trực tiếp của đề xuất điều chỉnh của Luật. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế suất theo lộ trình tăng liên tục hàng năm đến năm 2030 đối với mặt hàng rượu, bia và bổ sung mặt hàng nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Về nước giải khát có đường, dự thảo Luật nêu rõ, bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml, vào đối tượng chịu thuế suất 10%. Theo đánh giá của VBA, ngành NGK đã tạo ra hơn 300.000 lao động trực tiếp và hàng triệu việc làm gián tiếp và tham gia tích cực vào các chương trình trách nhiệm xã hội như cung cấp nước uống sạch, nâng cao năng lực phụ nữ, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc đánh thuế nước giải khát có đường dự kiến sẽ tác động tiêu cực tới sinh kế của 337.000 hộ gia đình trồng mía.

Cho ý kiến về đề xuất này, ông Đỗ Thái Vương, Trưởng Tiểu ban Nước giải khát thuộc Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA) đề nghị chưa bổ sung nước giải khát (NGK) theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào nhóm đối tượng chịu Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Ông Vương lý giải, thực tế chưa có nghiên cứu, đánh giá đầy đủ và toàn diện tác động của sắc thuế đối với các đối tượng trực tiếp và gián tiếp về mặt kinh tế, xã hội. Cụ thể, trong dự thảo luật hiện tại thì việc căn cứ theo TCVN để xác định đối tượng chịu TTĐB theo quy định tại điểm L khoản 1 Điều 2 của dự thảo luật là chưa đầy đủ và toàn diện, vì TCVN không phải là cơ sở trong công tác xây dựng pháp luật.

"Trong khi đó, bản thân TCVN đang bao gồm cả các đồ uống có lợi cho sức khỏe, nước uống thể thao, dự kiến bị áp thuế, trong khi các loại đồ uống và thực phẩm khác chứa lượng đường thậm chí còn cao hơn lại không thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Điều này dẫn đến việc phân biệt đối xử và không công bằng trong việc xây dựng các quy định về pháp luật của nhà nước", ông Vương cho hay.

Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) và báo cáo của Nielsen tại Việt Nam, lượng đường tự do từ đồ uống có đường chỉ chiếm khoảng 1,1% tổng số năng lượng được đưa vào cơ thể từ thức ăn và đồ uống. Trong khi đó, theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lượng đường tự do nạp vào cơ thể hàng ngày được phép ở mức 5% tổng số năng lượng nạp vào (tương đương 25g/ngày). Như vậy, nếu có sự lạm dụng đường trong khẩu phần ăn hàng ngày của người Việt Nam thì phần rất lớn là đến từ các nguồn thực phẩm có chứa đường khác.

Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc nhận định, việc điều chỉnh tăng thuế suất các mặt hàng rượu bia trong thời gian tới là cần thiết và phù hợp chủ trương của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên cần hướng đến chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt hài hòa các mục tiêu và phù hợp bối cảnh cụ thể. Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cao, liên tục có thể không mang lại hiệu quả cao như mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt đề ra.

Có thể việc tăng thuế làm tăng giá bán, có thể hạn chế sản xuất rượu bia, song chưa hẳn đã đạt được mục tiêu giảm tiêu dùng mặt hàng rượu bia do thực tế việc tăng thuế cao có thể dẫn đến hàng nhập lậu tăng, người tiêu dùng có thu nhập phân khúc cao chuyển sang uống rượu, bia nhập lậu.

Người tiêu dùng ở nông thôn, có thu nhập thấp có nhiều khả năng chuyển cơ chế tự cung, tự cấp và bán lấy lãi bằng cách dân tự nấu rượu, tự pha chế, không nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, không đảm bảo chất lượng sản phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.

9-do-uong-1.jpg
Quang cảnh buổi hội thảo

Theo đó mục tiêu hạn chế tiêu dùng, đảm bảo sức khỏe cộng đồng khó thực hiện. Cân nhắc nghiên cứu kỹ thêm tác động tăng thuế nhanh, cao theo Dự Luật đến thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng, sức khỏe cộng đồng.

“Xem xét phương án giãn thời gian tăng thuế suất có lộ trình để các doanh nghiệp có điều kiện xây dựng phương án, chuyển đổi sản xuất kinh doanh, không bị xáo trộn quá lớn. Ví dụ năm đầu tăng thuế suất 5%, các năm tiếp theo thuế suất sẽ tăng theo lộ trình vài năm thay vì 1 năm. Khi có chính sách hợp lý thì sẽ hài hòa hơn các mục tiêu đặt ra của thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng thuế không quá đột ngột và có lộ trình để các tổ chức kinh doanh có thời gian chuyển đổi, không ảnh hưởng quá lớn đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ ăn uống, đến thị trường và người lao động trong chuỗi cung ứng liên hoàn này” - bà Nguyễn Thị Cúc khuyến nghị.

Theo PGS. TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế thì nguyên tắc của việc đánh thuế là cần đảm bảo cân bằng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người nộp thuế. Nguyên tắc quan trọng này đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước nhưng không được để cho người nộp thuế lâm vào tình trạng khốn cùng. Thực hiện nguyên tắc này, Nhà nước sẽ không tạo ra những cú sốc tăng thuế cho doanh nghiệp, xã hội, cho người lao động. Nếu tổng số thuế phải trả quá lớn, đời sống người lao động không được đảm bảo; nền kinh tế sẽ bị trì trệ một cách gián tiếp; nguy cơ trốn thuế rất tiềm tàng…

Với tỷ lệ tăng quá cao và tiến độ tăng thuế liên tục hàng năm trong các phương án do Bộ Tài chính đề xuất hiện nay chắc chắn sẽ dẫn đến sự sụt giảm về sản lượng nặng nề, hậu quả là Chính phủ sẽ thất thu thuế. Do đó cần xem xét cân nhắc kỹ việc tăng thuế trong bối cảnh kinh tế hiện tại của Việt Nam tránh gây “sốc” cho doanh nghiệp, mà vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước, PGS. TS Ngô Trí Long đề xuất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bổ sung nước giải khát có đường vào danh sách đối tượng chịu thuế