Bộ TN&MT đề nghị tỉnh Thái Bình làm rõ thông tin việc định "xóa sổ" Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải

Minh Lâm|24/08/2023 14:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Thái Bình làm rõ thông tin của báo chí phản ánh giảm 90% diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã ký ban hành văn bản số 6941/BTNMT – BTĐD, đề nghị UBND tỉnh Thái Bình làm rõ thông tin phản ánh của báo chí về Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải. Thông tin gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường bằng văn bản trước ngày 25/8/2023.

Văn bản nêu rõ, Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Tiền Hải được xác lập theo Quyết định số 2159/QĐ-UBND ngày 26/9/2014 của UBND tỉnh Thái Bình với diện tích 12.500 ha; sau đó được chuyển tiếp thành khu dự trữ thiên nhiên theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học tại Quyết định số 1107/QĐ-BTNMT ngày 12/5/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc công bố Danh mục các khu bảo tồn. Đồng thời, KBTTN Tiền Hải là di sản thiên nhiên theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường và là vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng.

khu-bao-ton-thien-nhien-tien-hai.jpg
Bộ TN-MT yêu cầu tỉnh Thái Bình báo cáo về việc thu hẹp gần như "xóa sổ" Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải

Theo thông tin phản ánh báo chí, khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải bị cắt giảm diện tích từ 12.500 hạ xuống còn 1.320 ha theo Quyết định số 731/QĐ- UBND ngày 17/4/2023 của UBND tỉnh Thái Bình.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Thái Bình cung cấp thông tin, làm rõ phản ánh nêu trên và các cơ sở pháp lý, thực tiễn đối với điều chỉnh diện tích KBTTN Tiền Hải.

Theo một số chuyên gia, đến nay, Thủ tướng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược đề ra 5 nhóm nhiệm vụ ưu tiên, bao gồm: Bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái quan trọng; bảo vệ và phục hồi các loài hoang dã; kiểm soát các hoạt động gây tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học; lượng giá, sử dụng bền vững đa dạng sinh học; bảo tồn nguồn gen và chia sẻ lợi ích.

Đồng thời, theo bình diện quốc tế, Việt Nam đã tham gia Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal, với mục tiêu đến năm 2030, ít nhất 30% diện tích đất liền (gọi tắt là mục tiêu 30 × 30), các vùng nước nội địa, vùng ven biển và biển, đặc biệt là các khu vực có tầm quan trọng đặc biệt đối với đa dạng sinh học, các chức năng và dịch vụ của hệ sinh thái, được bảo tồn, quản lý hiệu quả, có tính đại diện về mặt sinh thái, kết nối tốt và công bằng…

Như vậy, việc tỉnh Thái Bình muốn cắt giảm 90% diện tích khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải đang đi ngược với quan điểm không đánh đổi thiên nhiên lấy phát triển kinh tế, ngược với chủ trương phát triển bền vững.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải được xác định là một trong những vùng lõi quan trọng thuộc khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, là một khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam.

Đây là nơi lưu giữ những giá trị sinh học đa dạng, phong phú với 215 loài chim, trong đó có gần 160 loài chim di cư, hơn 50 loài chim nước, nhiều loài quý hiếm được ghi trong Sách Đỏ thế giới. Khu bảo tồn cũng có vai trò phòng hộ ven biển và cửa sông, bảo đảm an ninh, môi trường và sự phát triển bền vững của tỉnh cũng như khu vực.

Bài liên quan
  • Thanh Hóa: Bảo tồn đa dạng sinh học tại vườn quốc gia Bến En
    Ngoài bảo tồn tính đa dạng của vườn quốc gia Bến En, các hoạt động nghiên cứu khoa học, xây dựng những mô hình chăn nuôi thiết thực của Ban quản lý vườn quốc gia Bến En, đã giúp hệ sinh thái nơi đây từng bước hồi sinh, qua đó thiết lập được một nền kinh tế xanh bền vững cho người dân sống trong vùng đệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bộ TN&MT đề nghị tỉnh Thái Bình làm rõ thông tin việc định "xóa sổ" Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.